RSS

Dấu ấn tuần qua: Tổng thống Trump thắng thế, Trung Quốc cạn chiêu bài

06:00 17/09/2018

Trong cuộc chiến thương mại diễn ra nhiều tháng qua, Mỹ liên tiếp “ra đòn”, còn Trung Quốc bị động ứng phó. Đối mặt với sức ép to lớn từ Mỹ, Trung Quốc tiếp theo sẽ có hành động gì là điều dư luận quan tâm.

Theo nhận định của CNBC, Trung Quốc đang cạn kiệt các lựa chọn trong cuộc chiến thuế quan với Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/9 tỏ ý muốn áp thuế đối với khối hàng hóa trị giá 200 tỷ USD bất chấp việc hai bên đang có dấu hiệu nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định trong một bài đăng trên Twitter rằng: “Chúng tôi không chịu bất kỳ sức ép nào về việc phải có được một thỏa thuận với Trung Quốc. Chính họ mới chịu sức ép phải tạo ra thỏa thuận với chúng tôi. Các thị trường của chúng tôi đều đang tăng cao, trong khi thị trường của họ đang sụp đổ. Chúng tôi sẽ sớm thu về hàng tỷ USD tiền thuế và sản xuất sản phẩm nội địa…”

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 24 tháng 9 (Ảnh: Samira Bouaou / Thời báo Đại Kỷ Nguyên)

Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc so với Mỹ chứng minh một sự thật là Trung Quốc không thể theo kịp với mức độ các khoản thuế của Tổng thống Trump. Trung Quốc không nhập khẩu từ Mỹ nhiều như Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc để có thể mãi chơi trò “ăn miếng trả miếng” – đáp trả gói thuế quan tương đương với Mỹ. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu 506 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu chỉ 130 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 500 tỷ USD. Cho đến nay, Washington đã áp thuế đối với 50 tỷ USD giá trị của hàng hóa Trung Quốc, bên cạnh gói thuế 200 tỷ USD đang chuẩn bị thực hiện.

Đối với các đòn thuế quan của Mỹ, “Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục các biện pháp trả đũa cần thiết”, trích thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau những đòn thuế quan mà Trung Quốc dùng để đáp trả, Bắc Kinh hầu như không còn “dư địa” trong kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ để áp thuế.

Thực tế này dẫn đến việc một số nhà phân tích nói rằng Trung Quốc sẽ dùng đến các “vũ khí” phi thuế quan để đấu lại Mỹ. Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, việc sử dụng những biện pháp như vậy có thể gây ra tác dụng ngược đối với chính sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc:

Phá giá đồng Nhân dân tệ và những rủi ro cố hữu

Các chuyên gia kinh tế cho rằng phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) là một trong những lựa chọn của Trung Quốc để cầm cự trong chiến tranh thương mại. Điều này được thể hiện qua động thái giảm giá đồng NDT của ngân hàng trung ương Trung Quốc, nhằm hạ giá và tăng tính hấp dẫn của hàng xuất khẩu, từ đó bù đắp các chi phí thuế quan.

Từ tháng Tư đến nay, đồng NDT đã mất giá khoảng 8% so với đồng USD, chuyên gia kinh tế Bo Zhuang và Rory Green của TS Lombard tin rằng mức thuế bổ sung 25% áp lên hàng hóa Trung Quốc “sẽ làm tổn hại đến thương mại của nước này đủ để họ phải giảm giá đồng NDT thêm 15% trong 6 tháng tới hoặc hơn nữa”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc đã hạ giá đồng NDT hết mức có thể. Và rằng rủi ro cố hữu trong việc phá giá đồng NDT có nghĩa là chiến lược đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng USD và đồng Nhân dân tệ. (Ảnh: Forbes)

“Đó là những gì [Trung Quốc] đang lo sợ”, CNBC trích lời ông Josef Jelinek, chuyên gia phân tích cấp cao của Frontier Strategy Group cho biết. “Một mặt một đồng tiền khấu hao giúp họ bù đắp thiệt hại từ các loại thuế này. Tuy nhiên, nếu nó rơi quá xa và quá nhanh, các nhà đầu tư sẽ sợ hãi và họ có thể sẽ phải chứng kiến dòng vốn khổng lồ tháo chạy, đó chính xác là những gì họ không muốn ở thời điểm này”.

Năm 2015, Trung Quốc đã phá giá đồng tiền của họ với khoảng 4% chỉ trong một vài ngày, cú giảm mạnh nhất trong 20 năm và khiến thị trường choáng váng. Hậu quả là, các dòng vốn đua nhau rút ra khỏi thị trường Trung Quốc, và Bắc Kinh đã phải ‘đốt’ hơn một nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng NDT.

Thật vậy, vào ngày 24/8 năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa phải áp dụng “yếu tố phản chu kỳ” để hỗ trợ giá trị đồng NDT trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại ngày càng xấu đi.

“Tẩy chay” doanh nghiệp Mỹ và hậu quả liên đới

Một sự lựa chọn khác mà Trung Quốc có thể áp dụng đó là thắt chặt kiểm soát đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Biện pháp có thể là tăng quy định, cản trở quy trình cấp visa và chuyển tiền mặt ra khỏi Trung Quốc, tăng thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy phát triển các công ty trong nước.

Tẩy chay hàng Mỹ có thể dẫn đến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh. Ảnh điện thoại iPhone của hãng Apple, Mỹ. (Ảnh: CNBC)

Hiện Trung Quốc vẫn chưa kêu gọi một chiến dịch “tẩy chay” nhắm vào hàng hóa và doanh nghiệp Mỹ như những gì đã làm với Hàn Quốc vào năm 2017.

Mặc dù hành động này có thể truyền tải một thông điệp rõ ràng, nhưng nhiều khả năng cũng sẽ ngăn chặn đầu tư mới vào Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ buộc phải rút khỏi Trung Quốc, mang theo ngoại hối đã đầu tư vào nước này. Dẫn đến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trong tình trạng suy giảm tăng trưởng như hiện nay.

Khủng hoảng tăng trưởng nội địa

Trên đầu trang của các rủi ro tiền tệ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối phó với những cơn gió ngược của riêng nó, không phụ thuộc vào cuộc chiến thương mại với Washington.

“Cần phải nhấn mạnh rằng khủng hoảng tăng trưởng của Trung Quốc bắt nguồn từ chính họ, chứ không phải là kết quả của thuế quan Mỹ”, ông Jelinek nói.

Kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu đáng lo ngại trong nửa đầu năm 2018 do ảnh hưởng bởi một loạt yếu tố. Theo đó, nỗ lực giảm nợ và hạn chế tín dụng đen – chính sách chắc chắn sẽ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực cho tăng trưởng kinh tế – lại được chính phủ Trung Quốc thực hiện vào đúng vào thời điểm cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.

Theo báo cáo được Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 14/8, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 7 của nước này tăng trưởng lần lượt là 6% và 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 5,5% trong 7 tháng đầu năm, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999.

Kinh tế Trung Quốc đang có thêm nhiều dấu hiệu “hạ nhiệt”. (Ảnh: Bloomberg)

Trung Quốc đang đối mặt với hai thách thức. Thứ nhất là nỗ lực của chính phủ trong 5 tháng vừa qua nhằm thắt chặt tín dụng và ổn định mức nợ cao. Thứ hai là sự sụt giảm đáng kể trong chi tiêu đầu tư của chính quyền địa phương.

“Vì vậy, hiện nay Trung Quốc đang phải chật vật để giữ thế thăng bằng trên dây, một mặt không quay lưng lại với cuộc vận động giảm nợ, mặt khác chống đỡ cho nền kinh tế trước nhân tố nền tảng suy yếu và áp lực từ chiến tranh thương mại”, các nhà phân tích mô tả.

Trong khi đó, Trung Quốc, với niềm tin rằng hệ thống kinh tế của họ đang bị tấn công, quyết tâm giữ gìn bằng mọi giá “quá trình phát triển nhà nước có định hướng tương phản rõ rệt với hệ thống Mỹ thị trường tự do”,theo chuyên gia kinh tế trưởng Charles Dumas của TS Lombard.

Mặc dù trong tương lai gần, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không có nguy cơ phải đối mặt với một mối đe dọa sống còn, nhưng những rủi ro đối với tăng trưởng của Trung Quốc là không thể tránh khỏi, theo ông Lombard.

Lôi kéo EU bất thành

Trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc không ngừng tìm cách lôi kéo châu Âu, số tiền đầu tư vào châu Âu gấp 9 lần đầu tư vào Bắc Mỹ.

Trong các cuộc họp ở Brussels, Berlin và Bắc Kinh hồi tháng 7, các quan chức cấp cao Trung Quốc, bao gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, đã đề xuất những chính sách cởi mở hơn cho thị trường Trung Quốc như một cử chỉ thiện chí. Một trong những đề nghị này là tạo cơ hội cho Trung Quốc và Liên minh châu Âu cùng khởi động những hoạt động chung chống lại Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

(Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, EU đã từ chối ý tưởng lập đồng minh với Trung Quốc để chống lại Mỹ. Bất chấp thuế quan mà Tổng thống Trump áp đặt lên nhiều mặt hàng của châu Âu, Brussels lại có cùng quan điểm quan ngại về thị trường không cởi mở của Trung Quốc và sự can thiệp của Bắc Kinh nhằm tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp nhà nước.

“Chúng tôi đồng ý với hầu hết những lời phàn nàn của Mỹ đối với Trung Quốc dù không hài lòng với cách họ giải quyết vấn đề”, một quan chức ngoại giao của EU cho hay.

Trong khi Mỹ và EU đạt được “thỏa thuận ngừng bắn” về vấn đề thương mại từ tháng 7 và hai bên cam kết sẽ không áp thuế mới lên hàng hóa của nhau, mới đây Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận mới với Mexico và đang gây sức ép buộc Canada phải nhượng bộ. Tuy nhiên với Trung Quốc thì mọi thứ dường như đang bế tắc.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ muốn xây dựng một “liên minh” bao gồm cả EU, Nhật Bản và các đồng minh khác để gây sức ép lên Trung Quốc.

Các nước nối gót nhau “cấm cửa” đầu tư Trung Quốc

Theo một bài báo cáo của tờ SCMP hôm 14/9, Đức, Anh, Canada cùng nhiều quốc gia khác đã về phe Mỹ chống lại chương trình thâu tóm các công ty công nghệ từ phía Trung Quốc nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

Khi Mỹ đang ngày càng tẩy chay mạnh mẽ với các khoản đầu tư của Trung Quốc trong năm nay bằng cách ngăn chặn một loạt vụ thâu tóm lớn, nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm cơ hội thâu tóm công nghệ ở nhiều quốc gia khác.Tuy nhiên, sự lạc quan đó dường như là quá sớm.

Trong những tháng gần đây, hàng loạt các quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và Canada đã cùng tham gia vào một phản ứng toàn cầu chưa từng có đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc vì những lo ngại về an ninh quốc gia.

Đầu tháng 8, chính phủ Đức lần đầu tiên phủ quyết việc bán công ty Leifeld Metal Spinning chuyên sản xuất thiết bị ngành hàng không vũ trụ và hạt nhân cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Vào tháng 5/2018, Canada đã chặn một đề nghị mua lại công ty xây dựng Aecon từ công ty Communications Construction của Trung Quốc cũng với lý do tương tự.

Các nước ngày càng dè chừng với đầu tư từ Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Từ Canada sang Mexico đến Liên minh châu Âu, cùng một số quốc gia khác, tuy đều có những rắc rối riêng với chính quyền Trump, nhưng họ vẫn đồng ý với biện pháp của Mỹ trước sự đe dọa của Trung Quốc. Tất cả đều cho rằng các khoản đầu tư và các vụ mua bán sáp nhập của Trung Quốc đều nhằm mục đích ăn cắp công nghệ, truy cập vào dữ liệu nhạy cảm và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

“Sự chuyển động mà chúng ta nhìn thấy trên khắp thế giới là biểu hiện của một lời kêu gọi hãy cảnh giác về các khoản đầu tư của người Trung Quốc, đặc biệt về công nghệ. Và nó được gia cường và tăng tốc nhờ có Chính quyền Tổng thống Trump”, theo ông Jeremy Zucker, công ty Luật Dechert, Washington.

Nguồn: Dkn.tv

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.