RSS

Hơn nửa năm nước Mỹ loay hoay tìm cách đối phó với COVID-19

01:06 15/09/2020

Khi số ca tử vong do COVID-19 sắp vượt qua con số 200.000, nhiều chuyên gia tự hỏi thêm bao nhiêu người Mỹ sẽ chết cho tới khi Mỹ chống dịch đúng hướng.

Một tháng rưỡi ngày trước khi thông báo ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới, Chỉ số An ninh Sức khỏe Toàn cầu đã công bố báo cáo, trong đó đánh giá Mỹ đứng đầu trong số 195 quốc gia về khả năng đối phó với sự bùng phát của các dịch bệnh lớn.

Hơn nửa năm nước Mỹ loay hoay tìm cách đối phó với COVID-19

Alex Fitzpatrick và Elijah Wolfson, hai biên tập viên của tạp chí Times, nhận định báo cáo trên dường như đã đánh giá Mỹ quá cao khi quốc gia này đang chật vật để kiểm soát COVID-19. Hiện Mỹ đã ghi nhận gần 6,6 triệu ca nhiễm và hơn 196.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát.

Trong nhóm quốc gia giàu có của thế giới, chỉ có Mỹ phải đối mặt với tình trạng dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Mỹ đứng thứ 7 về tỷ lệ ca tử vong trong 100.000 dân. 9 quốc gia còn lại có GDP bình quân đầu người là 10.195 USD, trong khi Mỹ là 65.281 USD. Một số quốc gia khác như New Zealand gần như khống chế hoàn toàn được dịch dịch, dù phải đương đầu với đợt bùng phát mới hồi tháng 8. Việt Nam, quốc gia thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, không ghi nhận ca tử vong liên quan tới COVID-19 cho tới 31/7, 6 tháng sau khi dịch bùng phát trên thế giới.

COVID-19 vượt tầm kiểm soát là do Mỹ đã phạm quá nhiều sai lầm khi ứng phó với đại dịch. Mỹ không được tìm được tiếng nói nhất quán trong giới lãnh đạo ở nhiều cấp và giữa các đảng. Nhiều lãnh đạo và người dân không có lòng tin vào giới khoa học và chuyên môn. Văn hóa đề cao tính cá nhân ăn sâu vào tiềm thức cũng được xem là những yếu tố khiến Mỹ gặp khó khăn trong cuộc chiến này. COVID-19 đã làm suy yếu nước Mỹ và phơi bày nhiều lỗ hổng mang tính hệ thống của quốc gia này, cũng như cho thấy khoảng cách xa vời giữa lời hứa của giới lãnh đạo với người dân và những điều họ thực sự làm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều đồng minh của ông đã sai lầm khi đánh giá thấp mối đe dọa của COVID-19 ngay từ đầu và bám vào niềm tin rằng "COVID-19 sẽ sớm biến mất". Xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly được xem là "vũ khí" chống COVID-19 hiệu quả, nhưng Mỹ đã không áp dụng triệt để cả ba yếu tố này. Nhiều bang ở Mỹ thậm chí vội vàng tìm cách mở cửa trở lại trước khuyến nghị của chính phủ.

Cuốn sách mới "Cơn thịnh nộ" của nhà báo kỳ cựu Mỹ Bob Woodward mới đây tiết lộ Trump thừa nhận ông đã cố giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa COVID-19 khi đại dịch bắt đầu. "Tôi luôn muốn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Giờ tôi vẫn muốn hạ thấp nó vì không muốn tạo ra sự hoảng loạn", Trump trả lời phỏng vấn hôm 19/3.

Nghiên cứu chỉ ra đeo khẩu trang có thể giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Văn hóa có từ lâu này ở các nước Đông Á thường được cho là yếu tố giúp họ kiểm soát tốt đại dịch. Tuy nhiên, tại Mỹ, Tổng thống Trump không đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng cho tới ngày 11/7, hơn ba tháng sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị biện pháp này. Khảo sát cho trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 25/6 cho thấy 63% người thuộc đảng Dân chủ ủng hộ đeo khẩu trang, so với 29% người thuộc đảng Cộng hòa.

Xét nghiệm có vẻ là thất bại lớn nhất của Mỹ. Trump nhiều lần cho rằng Mỹ nên giảm  xét nghiệm thay vì tăng. Tuy nhiên, giảm xét nghiệm đồng nghĩa với việc sẽ có ít ca nhiễm được phát hiện, tăng nguy cơ về "những mầm bệnh thầm lặng" trong cộng đồng. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở Mỹ tăng từ 4,5% hồi giữa tháng 6 lên khoảng 5,7% đầu tháng 9, bằng chứng cho thấy virus không ngừng lây lan.

Tỉ lệ xét nghiệm đạt đỉnh hồi tháng 7, với khoảng 820.000 người mỗi ngày, theo Dự án Theo dõi Covid, nhưng giờ giảm xuống dưới 700.000. Nhiều người Mỹ phàn nàn họ phải đợi hai tuần mới có kết quả. Chậm trễ này khiến kết quả xét nghiệm trở nên vô nghĩa.

Hầu hết chuyên gia tin rằng ngay từ đầu Mỹ không nắm chính xác quy mô của dịch bùng phát, bởi chỉ xét nghiệm người có triệu chứng. Khi mở rộng phạm vi xét nghiệm, họ nhận ra 30-45% người nhiễm COVID-19 không xuất hiện triệu chứng.

7 tháng sau khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Mỹ, quốc gia vẫn báo cáo hàng trăm, thậm chí hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Khảo sát của Hiệp hội Y tá Mỹ thực hiện hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 cho thấy trong số 21.000 y tá tham gia, 42% báo cáo tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, như khẩu trang, găng tay, áo choàng y tế. Nhiều trường học phải đóng cửa trở lại khi chứng kiến đợt bùng phát mới sau khi nỗ lực nối lại giảng dạy trực tiếp trên lớp. Hơn 13 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp trong tháng 8, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động công bố ngày 4/9.

Thay vì tập trung vào các biện pháp trước mắt, chính quyền Mỹ lại dồn lực cho dự án phát triển vaccine thần tốc đầy tham vọng "Operation Warp Speed", dù thành công của kế hoạch đến nay vẫn là dấu hỏi.

Mỹ dành gần 17% GDP hàng năm cho lĩnh vực y tế, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhưng ngay cả khi chính phủ quyết định chi trả chi phí điều trị liên quan tới COVID-19, nhiều bệnh nhân có thu nhập vẫn hoang mang và lo lắng vì hệ thống thanh toán y tế rối loạn và phức ở Mỹ.

Fitzpatrick và Wolfson cũng cho rằng người Mỹ ngày càng có xu hướng coi trọng giá trị cá nhân hơn tập thể. Khảo sát của Pew năm 2011 cho thấy 58% người Mỹ nói "tự do theo đuổi mục tiêu cuộc sống mà không bị chính phủ can thiệp" quan trọng hơn việc nhà nước cam kết "không ai gặp khó khăn". Đây có thể được xem là căn nguyên khiến Mỹ gặp khó khăn khi chống COVID-19, bởi đại dịch đòi hỏi người dân phải tạm thời hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, như đeo khẩu trang hay không đến quán bar.

Người Mỹ từng nhiều lần cùng nhau vượt qua khủng hoảng trong quá khứ, nhưng họ cần có người lãnh đạo.Nhưng Trump và nhiều lãnh đạo khác đã chỉ trích quan chức y tế cộng đồng, phản đối kêu gọi đóng cửa kinh tế cùng nhiều biện pháp cần thiết khác. Nhiều chuyên gia thậm chí lo ngại Nhà Trắng có thể gây áp lực cho các cơ quan, như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, để thông qua nhiều biện pháp điều trị chưa được kiểm chứng hiệu quả và an toàn.

Ngoài thiếu lãnh đạo nhất quán, các khuyến nghị của giới chức y tế cộng đồng thay đổi liên tục cũng khiến nhiều người Mỹ hoài nghi về cuộc chiến chống COVID-19. "Đây là dịch bệnh mới, loại virus mới nên chúng tôi không thể có tất cả câu trả lời về mặt khoa học", Colleen Barry, chủ tịch cơ quan chính sách và quản lý y tế thuộc Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, nói. "Tôi nghĩ nó đã tạo điều kiện để làm xói mòn niềm tin của công chúng".

Tuy nhiên, Mỹ vẫn có tín hiệu để có thể lạc quan vào kịch bản chiến thắng COVID-19. Mỹ đã dồn nhiều nguồn lực và chạy đua với thời gian để phát triển vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Donald Trump cùng một số chuyên gia cho rằng rất có thể Mỹ sẽ có ít nhất một loại vaccine vào cuối năm nay.

Nhiều chuyên gia cũng lạc quan rằng sau 7 tháng dịch bệnh càn quét nước Mỹ, nhiều người Mỹ sẽ có ý thức tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch hơn. "Người Mỹ có thể sẽ bắt đầu nói rằng 'nếu mọi người không đeo khẩu trang, không giãn cách xã hội, nếu mọi người tổ chức các bữa việc gia đình nhiều người tham dự, nếu bỏ qua các khuyến nghị y tế cộng đồng, chúng ta sẽ thấy dịch tiếp tục lây lan", Ann Keller, phó giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng UC Berkeley.

Link nguồn: https://www.tienphong.vn/the-gioi/hon-nua-nam-nuoc-my-loay-hoay-tim-cach-doi-pho-voi-covid19-1720011.tpo

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.