Kiềm chế Trung Quốc can thiệp, Úc sắp ra luật chặn ảnh hưởng nước ngoài
Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã giới thiệu dự luật ảnh hưởng nước ngoài từ tháng 12/2017 để giới hạn nước ngoài can thiệp vào hệ thống chính trị Úc.
Trong nhiều tháng qua, các nhà lập pháp Úc, các tổ chức và công chúng đã bàn thảo rất nhiều về đạo luật này, dự kiến quốc hội sẽ biểu quyết thông qua vào cuối tháng 7.
Tại sao Úc muốn áp dụng luật hạn chế ảnh hưởng nước ngoài?
Các cơ quan tình báo Úc đã dấy lên cảnh báo về ảnh hưởng của nước ngoài vào xã hội và hệ thống chính trị Úc nhiều năm qua và một số bê bối đã được phơi bày trước công chúng khiến chính phủ liên minh trung hữu của Thủ tướng Turnbull phải hành động.
(Ảnh minh họa qua News.com.au)
Cộng đồng tình báo Úc cảnh báo các đảng chính trị chính về sự nguy hiểm của việc chấp nhận tài trợ từ các thương nhân có liên quan với Đảng Cộng sản Trung Quốc. (ĐCSTQ).
Theo tạp chí Foreign Affairs, vào tháng 6/2017, một cuộc điều tra chung do Tập đoàn Truyền hình Úc và Fairfax Media tiết lộ rằng Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) đã cảnh báo các đảng chính trị chính rằng hai nhà tài trợ hào phóng nhất của Úc đã “có mối liên hệ với ĐCSTQ” và “những khoản tài trợ của họ có thể đi kèm với nhiều điều kiện”.
Một trong số các nhà tài trợ này đã dùng khoản ủng hộ 400.000 USD cho Đảng Lao động để khiến đảng này mềm hóa quan điểm về biển Đông. Phóng viên Nick McKenzie của Fairfax Media cũng tiết lộ rằng Bộ trưởng Thương mại thuộc đảng Tự do của Thủ tướng Turnbull trước khi nhậm chức đã làm công việc tư vấn tại một công ty có liên kết với ĐCSTQ với thu nhập 880.000 USD một năm cho các dịch vụ không xác định.
Bê bối nổi tiếng nhất của chính trường Úc gần đây là việc nghị sĩ trẻ nhiều tham vọng Sam Dastyari đã bị vạch trần ‘nói thay tiếng nói’ của ĐCSTQ. Thượng nghị sĩ gốc Iran này được cho là đã nói lại gần như nguyên văn luận điệu của Trung Quốc về biển Đông, ngay sau khi nhà tài trợ của ông ta đe dọa sẽ rút một khoản tiền quyên góp 400.000 USD, theo Foreign Affairs. Gần đây, ông Sam Dastyari đã được yêu cầu phải từ chức.
Cũng theo Foreign Affairs, ĐCSTQ thiết lập hàng trăm chi bộ đảng hoạt động trên khắp nước Úc, trong đó đặc biệt mạnh ở các trường đại học. Thậm chí có hội sinh viên Trung Quốc tuyên bố thẳng là phải “trung thành với đất mẹ” dù nhiều thành viên có quốc tịch Úc.
Khi thông báo về dự luật ảnh hưởng nước ngoài vào tháng 12/2017, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã đề cập tới “các báo cáo đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc”, nhưng ông cũng khẳng định luật này không nhằm nhắm trực tiếp vào một quốc gia bất kỳ nào.
Ông Turnbull cảnh báo những nỗ lực ảnh hưởng đến chính trị Úc đã trở nên tinh vi, bí mật và nhánh hành pháp cần phải có “luật mới cho thời điểm mới”.
Thủ tướng Turnbull nói: “Các cường quốc nước ngoài đang có những nỗ lực chưa từng có và ngày càng tinh vi để gây ảnh hưởng tới tiến trình chính trị, cả ở đây và ngoài biên giới. Chúng tôi phải đảm bảo rằng nền chính trị và quốc hội của chúng ta đủ mạnh mẽ để chống cự các nỗ lực của các cường quốc nhằm can thiệp hoặc gây ảnh hưởng”.
“Chúng sẽ bảo vệ cách sống của chúng ta. Chúng sẽ bảo vệ và đẩy mạnh nền dân chủ của chúng ta”, ông Turnbull nhấn mạnh.
Nội dung chính của dự luật?
Dự luật do chính phủ Turnbull đề xuất sẽ cấm các đảng phái chính trị tại Úc nhận tài trợ của tổ chức và cá nhân nước ngoài. Chỉ có người Úc và các công ty đăng ký tại Úc mới có thể tài trợ cho các đảng chính trị.
Sẽ thiết lập một “Chương trình Minh bạch Ảnh hưởng Nước ngoài”. Đó thực tế chỉ là một danh sách các nhà vận động hành lang làm việc cho cường quốc nước ngoài với mục đích thay đổi chính sách của Chính phủ Úc.
Nằm trong danh sách này không phải là tội phạm, nhưng những người không tiết lộ các liên kết nước ngoài sẽ phạm tội.
Chính phủ Úc muốn mở rộng định nghĩa pháp lý về gián điệp vì định nghĩa hiện tại không bao gồm các hành vi mà Chính phủ coi là có hại cho an ninh quốc gia. Đề xuất này sẽ coi việc nhận thông tin mật không được phép của cơ quan công quyền là một tội hình sự, trong khi hiện tại hành vi này chỉ bị khép tội chia sẻ thông tin mật.
Các định nghĩa pháp lý về tội phá hoại, phản bội cũng được mở rộng.
Chẳng hạn nếu bạn thông đồng với quyền lực nước ngoài phá hỏng cơ sở hạ tầng công cộng, bạn sẽ phải đối mặt với án tù giam.
Nếu bạn đánh cắp bí mật thương mại và chuyển chúng cho các điệp viên nước ngoài, bạn sẽ cấu thành tội phạm. Điều này có thể dẫn tới việc tiết lộ lợi ích chính sách đối ngoại của Úc là một loại tội phạm.
Nếu bạn cố tình cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm trong khi nộp đơn xin truy cập vào thông tin an ninh Chính phủ, bạn sẽ phải đối mặt với các hình phạt khắc nghiệt hơn so với hiện tại.
Dự luật này sẽ tác động tới ai?
Các tổ chức từ thiện và các tổ chức nghiên cứu nói rằng nhiều khả năng họ không thể tiếp tục công việc của mình nếu họ đang phải nhận tài trợ của nước ngoài.
Các công ty truyền thông lớn nhất của Úc cho biết định nghĩa pháp lý mới về gián điệp có thể khiến các nhà báo bị tống vào tù vì sở hữu thông tin nhạy cảm mang lợi ích quốc gia.
Các trường đại học Úc lo ngại luật mới có thể khiến họ phải chấm dứt hợp tác nghiên cứu với các tổ chức ở nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc đã hợp tác trong nhiều chương trình phát triển nghiên cứu tại Úc.
Sau khi luật ảnh hưởng nước ngoài được giới thiệu tại Quốc hội Úc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cũng đã lên án luật này. Họ cho rằng Trung Quốc không có ý định can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Úc.
Dự luật dự kiến được thông qua khi nào?
Vào đầu tháng Sáu, Úc đã mềm hóa các điều khoản trong dự luật ảnh hưởng nước ngoài để nhận được sự ủng hộ của quốc hội và công chúng.
Muốn đẩy nhanh tiến độ thông qua dự luật, chính phủ của Thủ tướng Turnbull cho biết “Chương trình Minh bạch Ảnh hưởng Nước ngoài” giờ đây không yêu cầu các nhà điều hành và vận động hành lang kết nối với các công ty đa quốc gia tư nhân phải đăng ký làm đại lý nước ngoài.
Tổng chưởng lý Úc Christian Porter trao đổi với báo giới: “Chúng tôi đã thu hẹp trọng tâm của dự luật so với dự thảo ban đầu hướng tới các công ty, đặc biệt là những thực thể thể hiện và công khai mức độ kiểm soát bởi các chính phủ và tổ chức chính trị nước ngoài”.
Dự luật ban đầu quy định rằng mọi người phải đăng ký nếu thực hiện các hành động nhất định nhân danh chính phủ, doanh nghiệp công, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nước ngoài.
Thay đổi mới sẽ giới hạn “thực thể nước ngoài” chỉ là chính phủ nước ngoài, các thực thể liên quan tới chính phủ nước ngoài, các tổ chức chính trị nước ngoài và các cá nhân liên quan tới chính phủ nước ngoài.
Ông Porter cho hay: “Thay đổi này đảm bảo rằng chỉ các tổ chức hoặc cá nhân thực sự làm việc trực tiếp với chính phủ hoặc đảng chính trị nước ngoài mới phải bị yêu cầu đăng ký”.
Do đó, sửa đổi sẽ loại trừ “đại đa số các công ty quốc tế tư nhân”, ngoại trừ “các công ty đó liên quan mật thiết với một tổ chức chính trị hoặc chính phủ nước ngoài”.
Một thay đổi khác là các đài truyền hình, phát thanh; nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và nhà xuất bản sẽ không phải đăng ký “nơi họ đang thực hiện công việc kinh doanh thông thường của họ”.
Ông Porter nói rằng đáp ứng góp ý của các trường đại học và tổ chức từ thiện, định nghĩa về “hoạt động thực hiện thay mặt cho một thực thể nước ngoài” sẽ được sửa đổi “để một người không được coi là thực hiện một hoạt động chỉ vì họ được giám sát bởi, nhận tài trợ từ hoặc cộng tác với một thực thể nước ngoài ”.
Theo Reuters, với các sửa đổi nêu trên đảng Lao động đối lập cho biết họ sẽ ủng hộ dự luật.
Theo một khảo sát gần đây, 2/3 cử trị Úc ủng hộ dự luật ảnh hưởng nước ngoài và chỉ có 11% phản đối. Dự luật này có thể sẽ được Quốc hội Úc bỏ phiếu thông qua vào cuối tháng Bảy tới.
Theo: Tri thức
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.