RSS

Mỹ xếp 44 công ty Trung Quốc vào danh sách ‘đe dọa an ninh quốc gia’

05:00 06/08/2018

Động thái mới nhất của Washington nhắm vào các nhân tố then chốt trong tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 44 công ty và tổ chức Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, trong đó có nhiều công ty quốc doanh có khả năng phát triển công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực quân sự.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/8, theo Caixin. Bộ Thương mại Mỹ đánh giá những tổ chức và công ty này là “mối đe dọa lớn” đối với an ninh quốc gia hoặc các lợi ích mà chính sách đối ngoại Mỹ theo đuổi.

Trong thông báo chính thức, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại chuyên giải quyết các vấn đề liên quan an ninh quốc gia, còn cáo buộc nhiều công ty, tổ chức trong danh sách đã thu thập bất hợp pháp sản phẩm và công nghệ Mỹ để ứng dụng vào lĩnh vực quân sự tại Trung Quốc.

 

My xep 44 cong ty TQ vao danh sach 'de doa an ninh quoc gia' hinh anh 1
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: AP.

Theo South China Morning Post, động thái mới nhất của Washington đã trực tiếp thách thức tham vọng trở thành một siêu cường công nghệ của Trung Quốc thông qua chiến lược “Made in China 2025”. 

Nhiều cái tên lớn vào danh sách đen

Các rào cản mới của Bộ Thương mại Mỹ nhắm vào nhiều yếu tố then chốt trong chính sách “Made in China 2025”, bao gồm các lĩnh vực công nghệ phòng không, thông tin vệ tinh, chất bán dẫn và hàng không.

Trong 8 tập đoàn Trung Quốc cùng hàng chục công ty con và tổ chức trực thuộc bị ảnh hưởng, có 2 cái tên nổi bật là nhà sản xuất hệ thống truyền thông Hebei Far East và Học viện số 2 thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (CASIC).

Học viện 2 là đơn vị nghiên cứu của nhà sản xuất hệ thống tên lửa lớn nhất Trung Quốc. Trong khi đó, theo một bài viết của Quỹ James Town vào năm 2012, Hebei Far East có liên hệ với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), một trong những nhà phát triển tên lửa dẫn đường, chất bán dẫn, công nghệ radar và vi điện tử hàng đầu Trung Quốc.

Nhiều viện nghiên cứu khác trực thuộc CETC cũng chịu tác động bởi quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.

Công ty xuất khập khẩu công nghệ hàng không China Volant Industry và Tập đoàn Xuất Nhập khẩu Công nghiệp Công nghệ cao Trung Quốc cũng lọt vào “danh sách đen” vừa được Washington công bố. 

 

My xep 44 cong ty TQ vao danh sach 'de doa an ninh quoc gia' hinh anh 2
Mô hình một dự án máy bay quân sự được thực hiện bởi CETC. Ảnh: SCMP.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ sẽ giới hạn quyền tiếp cận của những công ty nói trên đối với các sản phẩm có thể được sử dụng trong quân sự lẫn dân sự.

Cơ quan này cũng có quyền cấm doanh nghiệp Mỹ bán cho công ty Trung Quốc những sản phẩm quan trọng như vật liệu hạt nhân, các thiết bị viễn thông, laser và cảm biến.

Đối đầu thương mại tăng nhiệt

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang tiếp tục leo thang. Bắc Kinh và Washington vẫn bế tắc trong đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại. 

Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các quan chức Mỹ xem xét tăng mức thuế từ 10% lên 25%, đối tượng bị áp thuế số hàng hóa trị giá gần 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông muốn buộc Bắc Kinh thay đổi việc thực thi các chính sách thương mại mà theo Washington là bất bình đẳng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.

Theo các chuyên gia, đối đầu thương mại đang tập trung vào chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc.

Bắc Kinh xem sáng kiến này là hạt nhân để phát triển thành một cường quốc công nghệ. Trong khi đó, Washington xem đây là mối đe dọa sống còn đối với vị thế vượt trội về công nghệ của nước này so với phần còn lại của thế giới.

Mỹ đã áp thuế nhiều hàng hóa Trung Quốc có liên quan đến chính sách trên. Mức thuế 25% được nhắm vào nhiều mặt hàng thiết bị điện máy, phụ tùng và thiết bị thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin liên lạc.

Trước đó, Washington nhiều lần lên án các hành động của Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là chính sách buộc công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ khi bước vào thị trường Trung Quốc. Chính phủ Trump còn cho siết chặt quá trình xét duyệt visa đối với những sinh viên Trung Quốc muốn học tập và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược của mình.

Tháng 4 vừa qua, Washington cáo buộc gã khổng lồ công nghệ ZTE vi phạm một số lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên và Iran.

Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm hãng công nghệ Trung Quốc sử dụng linh kiện và công nghệ từ Mỹ cho đến năm 2025, khiến cho công ty này một phen khốn đốn. Mỹ chỉ chấp nhận dỡ bỏ lệnh cấm vận sau khi ZTE chấp nhận đóng khoản tiền phạt hơn 1 tỷ USD.

 

My xep 44 cong ty TQ vao danh sach 'de doa an ninh quoc gia' hinh anh 3
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: Bloomberg.

AFP dẫn lời Đại diện Thương mại Robert Lighthizer ngày 1/8 cho biết Mỹ đã thông báo rất rõ về những thay đổi cụ thể mà Trung Quốc nên thực hiện. “Đáng tiếc là thay vì ngưng những hành vi gây hại, Bắc Kinh lại đáp trả Washington một cách phi pháp, gây ảnh hưởng đến công nhân, nông dân, các chủ doanh trại và doanh nhân Mỹ”, chỉ trích.

Ông nhấn mạnh Washington cần thực hiện những biện pháp phòng vệ cứng rắn, bảo vệ vị thế dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ và sáng chế.

“Chính phủ Trung Quốc đang hung hăng tìm cách làm suy yếu các ngành công nghệ cao và vị thế lãnh đạo kinh tế của Mỹ thông qua các chính sách công nghiệp và hành vi thương mại không công bằng, điển hình là chiến lược Made in China 2025”, ông nói thêm.

Theo Zing

- ảnh ' + i); $img.attr('title', 'Mỹ xếp 44 công ty Trung Quốc vào danh sách ‘đe dọa an ninh quốc gia’ - ảnh ' + i); i++; }); });
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.