Người Việt làm móng ở trời Tây: Người lương cao, kẻ nhận thù lao rẻ mạt
Một số phụ nữ gốc Á có thể bỏ túi 100 đến 150 USD mỗi ngày từ nghề “làm nail”, tuy nhiên, một số người khác phải nhận mức lương rất thấp vì sự phân biệt đối xử của chủ tiệm.
Thợ nail gốc Việt sống tốt với nghề
Hằng ngày, cô Anh Tran đến làm việc tại tiệm chăm sóc móng ở Derma Spa, bang California, 8 tiếng. Tran và các đồng nghiệp bắt đầu bận rộn từ sau 13h, lúc cửa hàng đông khách dần. Cô có thể hỏi han và chuyện trò với khách bằng tiếng Anh.
Với thâm niên 30 năm làm nail, Tran luôn biết cách để khiến khách hàng hài lòng. “Cô ấy người phụ nữ thông minh. Cô biết tôi cần gì ngay cả trước khi tôi yêu cầu dịch vụ”, Carol Nue, một chuyên viên môi giới bất động sản, nói về Tran.
Mỗi ngày, Tran phục vụ khoảng 7 đến 8 khách hàng. Với tay nghề và sự nhiệt tình, cô tiết lộ với tờ Los Angeles Times rằng cô có thể kiếm từ 100 USD đến 150 USD sau một ngày làm việc. Bộ Lao động Mỹ quy định mức lương tối thiểu của người lao động là 7,25 USD/giờ (tức 58 USD cho 8 giờ).
Theo BBC, người gốc Việt chiếm tới 51% trong đội ngũ thợ làm móng trên toàn nước Mỹ. Tỷ lệ này ở bang California, “thủ phủ” của những người thợ gốc Việt tại Mỹ, là 80%. Nail Magazine cho biết 75% trong số khoảng 8.000 tiệm làm móng ở bang này do người gốc Việt làm chủ.
Trang US News từng xếp nghề làm móng ở hạng 49 trong danh sách 100 công việc tốt nhất ở Mỹ năm 2014. Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) tính toán nhân lực trong ngành này sẽ tăng trưởng 15,6% từ năm 2012 đến 2022. Nail Magazine cho hay, hơn 30% thợ làm nail đạt thu nhập trên 750 USD/tuần.
Tam Nguyen, giám đốc một cơ sở đào tạo chăm sóc móng ở California, khẳng định nghề này là công việc mang lại thu nhập ổn định với những người gốc Việt tại Mỹ. Họ không chỉ kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống mà hỗ trợ người thân ở quê hương.
“Đó là động lực của rất nhiều người. Những em đã tốt nghiệp khóa đào tạo ở cơ sở của tôi đều mong có việc làm ngay để gửi tiền về cho bố mẹ và các anh chị em”, ông Tam Nguyen nói.
Góc khuất xấu xí ở New York
Một cửa tiệm làm móng ở Manhattan, New York. Ảnh: NYT |
Theo New York Times, thành phố có nhiều tiệm nail nhất nước Mỹ không phải là Los Angeles (bang California), Chicago (bang Illinois) hay Boston (bang Massachusetts) mà là thành phố New York (bang New York). Số lượng tiệm làm móng ở New York tăng gấp ba trong 15 năm và đạt khoảng 2.000 tiệm vào năm 2012.
Tờ nhật báo uy tín hàng đầu của Mỹ đã thực hiện cuộc điều tra trong 13 tháng, phỏng vấn 150 thợ làm móng và một số chủ tiệm nail. Trong tháng 5, các nhà báo phơi bày sự thật khiến dư luận thành phố New York chấn động về mức lương rẻ mạt và những đối xử bất công, kỳ thị mà các nữ kỹ thuật viên phải chịu đựng.
Nhiều thợ làm móng là phụ nữ nhập cư trái phép với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh hạn chế. Do vậy, người chủ nhân cơ hội này để bóc lột sức lao động của họ. Chủ tiệm bắt những người thợ mới vào nghề phải đóng khoản phí 100 USD để làm việc tại cơ sở. Nhân viên làm việc theo ca 10 – 12 tiếng hàng ngày.
Tại New York, luật bất thành văn là nhân viên gốc Hàn Quốc sẽ được ưu tiên và nhận thù lao (bao gồm tiền boa của khách) cao nhất, rồi đến những người thợ gốc Nam Mỹ. Những người không phải gốc Á phải chịu mức thu nhập ít nhất. Đây là điều dễ hiểu vì khoảng 70 – 80% tiệm làm móng ở New York do người Hàn Quốc làm chủ.
Những cô gái Hàn Quốc xinh đẹp và trẻ trung có thể kiếm 50 USD đến 80 USD mỗi ngày. Trong khi đó, thu nhập trung bình của thợ làm nail tại New York khoảng 35 USD/ngày, tức 3 USD/giờ. Con số này thậm chí còn thấp hơn mức quy định theo luật lao động liên bang là 7,25 USD/giờ.
Năm 2014, Sở Lao động New York thực hiện cuộc kiểm tra quy mô đầu tiên nhằm vào các tiệm làm móng. Họ phát hiện 116 trường hợp vi phạm về mức thu nhập của nhân viên tại 29 cơ sở.
Tiệm làm móng Iris Nails ở New York. Những nhân viên làm việc lâu năm tại cơ sở này cho biết thu nhập của họ chỉ khoảng 30 – 40 USD mỗi ngày. Ảnh: NYT |
Chủ một cửa tiệm ở East Northport đang bị nhân viện kiện vì ông ta bắt cô phải làm việc 66 giờ mỗi tuần nhưng chỉ trả công 1,5 USD. Một thợ làm móng khác ở Hicksville gọi công việc này là “nghề vắt sức”.
Ngoài chuyện lương bổng, chủ tiệm cũng áp đặt nhiều hình thức đối xử bất công trong sinh hoạt hàng ngày giữa các nhân viên. Cô Lhamo Dolma, 39 tuổi, người Trung Quốc, kể: “Tôi và các đồng nghiệp không phải gốc Hàn bị ép buộc phải ăn trưa trong bếp, trong khi những nhân viên Hàn Quốc được ăn ngay tại bàn làm việc”.
Nhiều người chủ phủ nhận chuyện chèn ép và bóc lột nhân viên. Họ thanh minh rằng mức lương nhân viên như vậy là hợp lý so với chi phí để tiệm hoạt động. “Những người nhập cư ‘chân ướt chân ráo’ hoàn toàn không biết gì về cuộc sống ở một đất nước xa lạ. Do vậy, việc bạn cho họ một công việc với thu nhập 35 USD mỗi ngày là điều họ rất trân trọng”, Sona Grung, chủ tiệm làm móng Sona Nails ở gần Manhattan, nói.
Trước những kết quả điều tra của New York Times, thống đốc bang New York Andrew Coumo ngày 11/5 tuyên bố tiến hành điều tra ngay lập tức đối với những tiệm làm móng bóc lột nhân viên. “Chúng ta sẽ không thể làm ngơ khi người lao động bị tước đoạt tiền công mà họ vất vả kiếm được, cũng như những quyền lợi cơ bản của họ”, ông Cuomo khẳng định.
Theo Minh Anh – Zing news
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.