Người Việt ở trời Tây sướng hay khổ?
Người Việt đa số làm ăn buôn bán. Trong số họ, nhiều người được đào tạo, học hành khá bài bản nhưng lại không được làm công việc mình yêu thích.
Ai cũng nghĩ rằng, đi Tây là sướng. Chính vì thế, câu cửa miệng của nhiều người Việt khi nói về sự an nhàn, sung sướng là “sướng như Tây”. Nhưng có đi Tây mới biết thực hư người Việt sướng khổ thế nào.
Quả thật, trời Tây rất văn minh, nề nếp, mức sống cao hơn hẳn ở Việt Nam. Nhưng những người Việt xa xứ để tồn tại được ở xứ người là cả một cuộc vật lộn mưu sinh. Chưa kể sự thiếu thốn về tình cảm gia đình, bạn bè cũng là một thiệt thòi lớn với họ.
Cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước châu Âu còn nhiều vất vả. Nhiều người sang châu Âu từ những năm 80 -90 của thế kỷ trước, họ được đào tạo, học hành trong nước khá bài bản nhưng khi sang châu Âu lại chủ yếu buôn bán và làm các công việc khác chứ ít người được làm đúng chuyên ngành được đào tạo.
Gian hàng của người Việt tại Trung tâm Thương mại châu Á
Người Việt ở Budapest (Hungary) phần lớn là làm ăn buôn bán. Tại đây, có hẳn một trung tâm buôn bán của người Việt – Trung tâm thương mại châu Á. Ngoài ra, rất nhiều người bán tiệm tạp hóa ở bên hông nhà ga Keleti giữa lòng thủ đô Budapest hoặc rải rác ở các khu chợ khác.
Gia đình chị Bùi Thị Bích Nhật ở quận 16 (Thủ đô Budapest) có cửa hàng khá lớn ở Trung tâm thương mại châu Á, kinh doanh linh kiện điện tử. Chia sẻ về công việc hàng ngày, chị Nhật cho biết, anh chị thường dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cho các con đến trường, sau đó đến trung tâm từ 7h sáng và trở về nhà khi trời đã tối. “Về quê mọi người tưởng sang đây an nhàn nhưng nói thật là cực lắm mấy em ạ. Nếu có điều kiện ở nhà vẫn sướng hơn nhiều” – chị Nhật nói.
Chị Dương Thị Mai Hương, kinh doanh ăn uống ở Trung tâm châu Á, bán các món ăn Việt Nam bình dân. Khách hàng của chị là những người ở các nước xung quanh. Chị rất tự hào vì món phở Việt Nam được rất nhiều người nước ngoài yêu thích. Mỗi ngày phục vụ khoảng 130 người ăn, với 3 người phục vụ.
Hàng ngày chị mở cửa bán hàng từ 7h sáng đến 19h. Công việc cứ ngày này kéo sang ngày khác khiến chị cũng không có thời gian để nhớ về quê nhà. Thậm chí, Tết đến chị cũng không dám nghĩ đến chuyện về nhà vì sợ đóng cửa sẽ mất khách. Cả gia đình chị hiện vẫn đang ở Việt Nam, chị Hương sang Budapest ở cùng các cháu.
Một địa chỉ làm ăn buôn bán không thể không nhắc tới ở Budapest là chợ Bốn Con Hổ ở quận 8. Đây là nơi bán buôn (sỉ lẫn lẻ) lớn nhất của đông đảo người Việt, người Hungary, người Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ… Nhiều người Việt kinh doanh ở khu chợ này có tiếng tăm trong cộng đồng kinh doanh ở Budapest. Nhưng cũng có thể nói, việc kiếm tiền ở đây cũng vào hạng vất vả nhất so với các trung tâm buôn bán khác.
Trung tâm thương mại Thăng Long cũng là một địa chỉ quen thuộc của người Việt. Bởi ngoài việc ông chủ của Trung tâm là người Việt Nam thì ở đây còn có chùa Tuệ Giác, ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở Hungary. Ông Vũ Quý Dương – Giám đốc Trung tâm thương mại Thăng Long là người đã dành một phần đất của Trung tâm thương mại để bà con xây dựng chùa Tuệ Giác. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhiều bà con. ÔNg Vũ Quý Dương cho biết, những năm kinh tế khó khăn, để trợ giúp bà con kinh doanh trong Trung tâm hầu như ông không cho tăng giá thuê mặt bằng, giá các loại dịch vụ. “Đây là cách để chúng tôi giúp đỡ bà con tiểu thương trong những ngày khó khăn” – ông Dương nói.
Kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến công tác của chúng tôi là cuộc gặp gỡ với một số chị đã sang Hungary nhiều năm. Cuộc gặp của những người Việt Nam mới sang và những người con xa xứ lâu ngày rất đầm ấm và rôm rả. Các chị, nhà ai có gì mang đến tập trung tại một gia đình để cùng vui vẻ gặp mặt. Nói cười vui vẻ, cởi mở nhưng các chị đều dặn “đừng đưa các chị lên báo đấy”.
Chính vì phải bươn chải cuộc sống nên đa phần các anh/chị đều không có nhiều thời gian cho gia đình. Cụ bà Trần Minh Hương năm nay 80 tuổi ở 28 Kendemar, Quận 16, Budapest, Hungary tâm sự: “Con cháu đi làm từ sáng sớm tới khuya mới về tới nhà. Cả ngày chỉ có 1-2 tiếng buổi tối được nói chuyện với nhau còn lại thời gian các con phải đi kiếm sống. Vào mùa đông, những người già như chúng tôi chẳng đi đâu cả nên suốt ngày ngồi trong nhà. Những tháng mùa đông tiền điện thoại bao giờ cũng tăn gấp mấy lần, vì nhớ hà, nhớ bạn bè, chỉ biết gọi điện thoại cho nhau thôi”.
Chia sẻ về những khó khăn mà chị em phụ nữ người Việt ở Hungary, bà Phan Bích Thiện – Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết: Nhiều chị em mang tiếng là sang châu Âu sinh sống nhưng ngoài con đường từ nhà ra chỗ lấy hàng, đưa ra chợ bán thì không biết một địa điểm nào khác. “Chính vì thế, trong hoạt động của Hội phụ nữ chúng tôi sẽ phải có nhiều thay đổi để giúp chị em thay đổi quan niệm về cuộc sống, không phải cứ buôn bán, kiếm được nhiều tiền mới là hạnh phúc” – bà Thiện cho biết.
Cuộc sống của người Việt ở trời Tây có thể còn nhiều vất vả nhưng một nét chung rất đáng quý là họ đầu tư cho con cái ăn học khá chu đáo. Các em đều được đi học, học ở các trường đại học danh tiếng và nhiều em đi làm cho các công ty lớn ở các nước như Anh, Pháp, Mỹ… và con em họ, nhiều cháu đã góp phần làm rạng danh đất nước sở tại.
Theo VOV
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.