Thế giới đêm qua: Mỹ xúc tiến dự luật dồn ép Bắc Kinh về vấn đề Tây Tạng
Hôm nay, thứ Năm (19/9), chúng tôi xin gửi tới quý độc giả phần điểm những tin thế giới nổi bật đêm qua.
Mỹ gia tăng biện pháp trừng phạt Iran
Tổng thống Donald Trump, hôm thứ Tư, cho biết ông đã ra lệnh gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, sau khi Teheran bị nghi ngờ đứng sau vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Ả Rập Xê Út vào hôm 14/9, theo Reuters.
“Tôi đã chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Tài chính gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với Iran!”, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter về việc trừng phạt quốc gia bị cho là nhà tài trợ của các nhóm khủng bố ở khu vực Trung Đông.
Phản ứng trước việc này, Iran một lần nữa phủ nhận có liên quan tới cuộc tấn công và cáo buộc Mỹ vu khống. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố: “Họ muốn gia tăng sức ép tối đa, gây áp lực lên Iran thông qua việc vu khống”.
Tuy nhiên một quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng hướng tấn công các cơ sở dầu của Ả Rập là từ phía Tây-Nam Iran. Theo AP, các quan chức Ả Rập khẳng định Teheran đã sử dụng tên lửa và máy bay không người lái để thực hiện vụ tấn công.
Ông Trump đã tìm được người thay thế John Bolton
Tổng thống Trump vào sáng thứ Tư cho biết ông Robert C. O’Brien sẽ được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia, thay cho ông John Bolton mới được cho nghỉ ít ngày trước, theo NBC.
Ông O’Brien hiện làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách về vấn đề con tin. Ông O’Brien cũng từng kinh qua nhiều vai trò khác nhau, ông từng làm trong nhóm cố vấn về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia cho ông Mitt Romney, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2012.
Người thay thế ông Bolton, vào năm 2016, đã cùng với ông Stephen Larson thành lập công ty Larson O’Brien LLP, một công ty luật có trụ sở tại Los Angeles.
Tổng thống Trump đã từng cân nhắc việc để ông O’Brien làm Tư lệnh Hải quân vào năm 2017, tuy nhiên sau đó ông chủ Nhà Trắng quyết định để ông O’Brien làm đặc phái viên phụ trách con tin tại Bộ Ngoại giao. (Chi tiết)
Moscow thả một người phản đối Putin
Một tòa án ở Moscow, hôm thứ Tư, đã quyết định phóng thích một người biểu tình phản đối chính phủ Putin, sau khi các giáo viên và linh mục đề nghị chính quyền kiềm chế, không thực hiện việc đàn áp các cuộc biểu tình chống Kremlin lớn nhất ở thủ đô Moscow trong nhiều năm qua, theo Reuters.
Người được trả tự do là Aidar Gubaydulin, ông phải đối mặt với nhiều năm tù sau khi bị bắt vì tấn công một cảnh sát chống bạo động trong một cuộc biểu tình hồi tháng trước.
Tòa án đưa ra quyết định rằng các công tố viên nên xem xét lại vụ án, đây được xem như một sự nhượng bộ của phe Putin sau khi các nghệ sĩ nổi tiếng ở Nga yêu cầu trả tự do cho một diễn viên bị tù 3,5 năm với việc làm giống như Gubaydulin.
Quan chức Mỹ: Triều Tiên đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân
Một quan chức Ngoại giao cấp cao của Mỹ, phụ trách vấn đề Đông Á, hôm thứ Tư, cho biết có nhiều khả năng Triều Tiên vẫn đang tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân, theo Yonhap.
Phát biểu của ông David Stilwell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đưa ra khi có nhiều dầu hiệu cho thấy Washington và Bình Nhưỡng sẽ sớm nối lại việc đàm phán phi hạt nhân hóa, mặc dù chưa có cuộc họp nào được lên lịch.
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Triều Tiên đang sản xuất vũ khí hạt nhân hay không, Stilwell nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện: “Tôi cho rằng sự việc là như vậy”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ ủng hộ dự luật về Hồng Kông
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, hôm thứ Tư, đã bày tỏ sự đồng tình đối với dự luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông đấu tranh yêu cầu dân chủ, theo SCMP.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với các nhà hoạt động trẻ tuổi của người dân Hồng Kông, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho), Pelosi cho biết bà sẽ đưa Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 ra lấy ý kiến các nghị viên “sớm nhất có thể”.
Việc rút dự luật dẫn độ của chính quyền Hồng Kông, một trong năm yêu cầu của phong trào yêu cầu dân chủ, “là một tin đáng hoan nghênh, nhưng như tất cả chúng ta đều biết, chừng ấy là không đủ”, bà Pelosi nói. “Phải thực hiện nhiều hơn nữa để đáp ứng đầy đủ nguyện vọng chính đáng của người dân Hồng Kông theo trật tự được bảo đảm bởi ‘một quốc gia, hai chế độ'” – nguyên tắc chỉ đạo cho mối quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Dự luật về Hồng Kông đang được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện xem xét. Nếu được thông qua, đạo luật này có khả năng khiến Bắc Kinh tức giận.
Mỹ xúc tiến dự luật dồn ép Bắc Kinh về vấn đề Tây Tạng
Các nghị sĩ Hoa Kỳ đã giới thiệu đạo luật cấm Bắc Kinh mở bất kỳ lãnh sự quán mới nào trên đất Mỹ cho đến khi Hoa Kỳ được phép thành lập văn phòng ngoại giao của họ tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, theo SCMP.
Dự luật cũng đưa ra một lộ trình cho hành động trừng phạt chống lại các quan chức Trung Quốc can thiệp vào sự kế vị của Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng.
Ông James McGovern, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ từ Massachusetts, và ông Marco Rubio, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Florida, là hai người đề xuất dự luật này tại Nghị viện Hoa Kỳ.
Ông McGovern hôm thứ Tư cho biết đạo luật này sẽ tăng cường “sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho người dân Tây Tạng trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, tự do tôn giáo và quyền tự trị chân chính của họ”.
Nguồn: Dkn.tv
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.