RSS

Thế giới đêm qua: Người Hồng Kông sẽ tiếp tục biểu tình, Quan chức nhân quyền LHQ thăm Venezuela

12:00 20/06/2019

Hôm nay thứ Năm ngày 20/6, sau đây là tóm lược các sự kiện chính xảy ra trên thế giới trong đêm qua.

Hàn muốn có thượng đỉnh liên Triều trước chuyến thăm của ông Trump

Đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Lee Do-hoon, hôm thứ Tư (19/6), đã thúc giục Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Seoul vào tuần tới, theo Yonhap.

“Tôi kêu gọi Triều Tiên đáp lại mong muốn tốt đẹp của Tổng thống Moon về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nếu có thể, trước khi Tổng thống Trump thăm Hàn Quốc vào tuần tới”, ông Lee nói.

Ông Lee kêu gọi Triều Tiên hãy “nắm lấy cơ hội để thể hiện mình”, để có được những ưu đãi, trích dẫn lời hứa của Tổng thống Trump về việc cung cấp viện trợ kinh tế đổi lấy phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Hàn, Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ, Donald Trump, dự định sẽ có cuộc hội đàm tại Seoul sau khi cả hai cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Osaka, Nhật Bản, vào ngày 28 và 29/6.

Ông Lee Do-hoon. (Ảnh: Yonhap)

Quan chức nhân quyền của LHQ thăm Venezuela

Quan chức nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Michelle Bachelet, đã đến thăm Venezuela vào thứ Tư, trong bối cảnh áp lực quốc tế tăng cao đối với chính phủ thiên tả của ông Nicolas Maduro, theo AP.

Đây là chuyến đi đầu tiên đến quốc gia Nam Mỹ đang chìm sâu trong khủng hoảng của người đứng đầu cơ quan giám sát nhân quyền của LHQ. AP đánh giá sự kiện này được coi là một chiến thắng nhỏ cho các nhà hoạt động nhân quyền.

Ông Jose Miguel Vivanco, một quan chức của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã thúc giục bà Bachelet tới thăm một nhà tù nơi chính quyền Maduro đang giam giữ các nhà lập pháp đối lập và một bệnh viện nhi ở Caracas.

Ông Vivanco cảnh báo chuyến thăm của bà Bachelet sẽ là một sự thất vọng nếu bà chỉ gặp gỡ các quan chức của chính phủ Maduro, lãnh đạo phe đối lập và đại diện của các nhóm xã hội dân sự.

Bà Michele Bachelet. (Ảnh: Jean-Marc Ferre)

Người Hồng Kông sẽ vẫn tiếp tục biểu tình

Khung cảnh bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, nơi được dự kiến diễn ra cuộc thảo luận về dự luật dẫn độ, đã trở nên yên bình vào thứ Tư, sau khi Đặc khu trưởng Carrie Lam xin lỗi người dân. Tuy nhiên có những nhóm nhỏ các nhà hoạt động đã tập hợp và chuẩn bị áp phích cũng như các vật dụng khác để phục vụ cho một cuộc biểu tình tiếp theo, theo Fox News.

“Chúng tôi đã sẵn sàng dấn thân và hết mình vì tương lai của Hồng Kông”, Hoàng Chi Phong, cựu thủ lĩnh sinh viên trong phong trào Dù vàng năm 2014, mới được chính quyền đặc khu phóng thích ít ngày trước, nói. “Người dân [Hồng Kông] nên làm chủ ngôi nhà của mình, thay vì chế độ độc tài”.

Nhà hoạt động dân chủ 22 tuổi chia sẻ rằng anh tiếc vì không thể có mặt trong các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối dự luật dẫn độ vừa qua nhưng bày tỏ sự hài lòng về những gì đã diễn ra, “thật ấn tượng, điều đó cho thấy tinh thần và phẩm giá của người dân Hồng Kông”, Phong nói.

Phong nói với phóng viên Fox News rằng anh hy vọng Tổng thống Trump sẽ đề cập tới vấn đề Hồng Kông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới tại cuộc họp G-20 ở Nhật Bản. Mặc dù vậy, Phong nói, người Hồng Kông sẵn sàng chiến đấu đòi tự do một mình.

Tấm áp phích đang được các nhóm hoạt động dân chủ chuẩn bị mang dòng chữ “Đừng bắn, chúng tôi là người Hồng Kông”. (Ảnh: Fox News)

Báo cáo của LHQ nói thái tử Ả Rập đứng sau vụ sát hại Khashoggi

Thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed bin Salman, và các quan chức cấp cao khác nên bị điều tra về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi khi có những bằng chứng đáng tin cậy chống lại họ, một quan chức nhân quyền Liên Hợp Quốc nói hôm thứ Tư, theo Reuters.

Sau sáu tháng điều tra, bản báo cáo dài 100 trang của phái viên đặc biệt Liên Hợp Quốc về các vụ hành quyết phi pháp, Agnes Callamard, đã cáo buộc thái tử Ả Rập Xê Út đứng sau vụ hành quyết “có chủ ý, được lên kế hoạch từ trước”.

“Có nhiều bằng chứng đáng tin cậy liên quan đến trách nhiệm của thái tử [Mohammed bin Salman]”, ông Call Callard khẳng định.

Thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed bin Salman. (Ảnh: NDTV)

Ngoài triển khai quân, Mỹ sẽ đưa nhiều vũ khí hạng nặng tới Trung Đông

Ngoài 1.000 binh sĩ Mỹ sắp được điều tới Trung Đông như công bố hôm thứ Hai, Hoa Kỳ sẽ đưa thêm tên lửa Patriot, máy bay do thám có người lái và không người lái và “các loại vũ khí có khẳ năng răn đe khác” tới khu vực này, Lầu Năm Góc cho biết thông tin hôm thứ Tư.

“Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Iran, nhưng chúng tôi có khả năng và sẵn sàng bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực”, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói trong một tuyên bố.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman vào tuần trước. Hoa Kỳ tung bằng chứng khẳng định Teheran đứng sau các vụ tấn công này, nhưng phía Iran đã lên tiếng bác bỏ.

Một bệ phóng tên lửa đất đối không Patriot của Quân đội Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Al Dhafra, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. (Ảnh: Reuters)

New Zealand dùng hàng triệu đô mua lại súng từ các chủ sở hữu

Chính phủ New Zealand vào hôm thứ Tư đã đưa ra một kế hoạch sử dụng hàng triệu đô la để “mua lại” các vũ khí bán tự động trong thời gian sáu tháng, sau khi có lệnh cấm sử dụng các loại vũ khí gây sát thương được ban hành sau các vụ xả súng vào 2 nhà thờ, làm thiệt mạng 51 người, cách đây ít tháng, theo Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Grant Robertson và Bộ trưởng Cảnh sát Stuart Nash cho biết trong một tuyên bố gửi Reuters qua email rằng 208 triệu đô la New Zealand (135,97 triệu đô la) đã được dành để bù đắp cho chủ sở hữu của súng bán tự động.

Nghị viện New Zealand đã thông qua luật sửa đổi về việc sở hữu súng với số phiếu tán thành 119/120 vào tháng Tư.

Nguồn: Dkn.tv

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.