Thế giới đêm qua: Trung-Phi sẽ phối hợp khái thác dầu khí ở Biển Đông, Tổng thống Mexico nói bị ‘thế lực vô hình’ theo dõi
Hôm nay thứ Sáu ngày 30/8, sau đây là tóm lược các sự kiện chính xảy ra trên thế giới trong đêm qua.
Tổng thống Mexico nói bị ‘thế lực vô hình’ theo dõi
Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, cho biết hôm thứ Năm rằng có các lực lượng vô hình đang theo dõi ông và nội các của ông, tiết lộ rằng một chiếc “camera tinh vi” đã được phát hiện tại văn phòng tổng thống, theo Reuters.
“Hãy tưởng tượng, họ đã ghi âm, ghi hình chúng tôi trong phòng họp, ở đây, trong Cung điện”, Tổng thống Obrador nói, nhưng không cho biết thêm chi tiết và bằng cách nào “lực lượng vô hình” đặt được camera ở đó.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Lopez Obrador nói rằng ông và gia đình là những nạn nhân của hoạt động gián điệp. Khi nhậm chức vào tháng 12/2018, ông Obrador đã cho chấm dứt hoạt động của cơ quan tình báo quốc gia cũ CISEN bằng cách cải tổ và đặt cho nó một cái tên mới.
Phái viên Mỹ kêu gọi EU trừng phạt Maduro
Đặc phái viên của Hoa Kỳ về vấn đề Venezuela, ông Elliott Abrams, hôm thứ Năm nói rằng ông hi vọng trong những tháng tới Liên minh châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Nicolas Maduro ở Venezuela, theo Reuters.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang cân nhắc nhiều biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép buộc ông Maduro phải trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Juan Guaido.
Ông Abrams cho hay, các quốc gia châu Âu đang chờ xem kết quả của các cuộc đàm phán giữa chính phủ Maduro và chính phủ Guaido để từ đó đưa ra hành động.
“Nếu các cuộc đàm phán thất bại, họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt”, ông Cameron Abrams nói. “Theo quan điểm của chúng tôi, đó có thể là một sai lầm bởi vì nếu bây giờ họ áp các biện pháp trừng phạt … sẽ có cơ hội tốt hơn để đàm phán thành công”.
Tổng thống Trump: Mỹ sẽ vẫn vẫn hiện diện ở Afghanistan
Tổng thống Donald Trump, hôm thứ Năm, cho biết số lượng quân của Hoa Kỳ làm nhiệm vụ ở Afghanistan đã giảm xuống còn 8.600, nhưng lực lượng Mỹ sẽ ở lại đất nước ngay cả khi Washington đạt được thỏa thuận với Taliban để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm, theo Reuters.
“Vâng, chúng tôi phải giữ sự hiện diện”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News. Ông cũng cho biết số quân Mỹ ở Afghanistan đã giảm xuống còn 8.600 “và sau đó chúng tôi sẽ tính toán tới những gì xảy ra tiếp theo”.
Hôm thứ Tư, Taliban thông báo họ đã tiến rất gần tới một thỏa thuận cuối cùng với Hoa Kỳ, theo đó, lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan để đổi lấy một cam kết rằng quốc gia Nam Á sẽ không trở thành nơi trú ẩn của các nhóm phiến quân Hồi giáo khác.
Người biểu tình Hồng Kông sẽ tới sân bay ‘nghỉ cuổi tuần’
Những người biểu tình đã kêu gọi người dân Hồng Kông đi “nghỉ cuối tuần” ở các khu vực xung quanh sân bay để tiếp tục bày tỏ khát vọng dân chủ, trong bối cảnh phong trào biểu tình đã vượt quá 80 ngày liên tiếp ở hòn đảo vốn là thuộc địa cũ của Anh, theo SCMP.
Người biểu tình dự kiến sẽ tập trung ở đảo Lantau, nơi có sân bay quốc tế Hồng Kông, vào hai ngày Chủ nhật và thứ Hai. SCMP cho hay, những người tổ chức biểu tình đã lên kế hoạch này hôm thứ Năm thông qua một cuộc họp online trên ứng dụng Telegram.
Những người tổ chức biểu tình đề nghị người dân Hồng Kông đạp xe, đi bộ, lái xe, dã ngoại hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong khu vực xung quanh sân bay.
“Chúng tôi hi vọng sử dụng cơ hội này để đi dạo một vòng quanh khu vực, chào mừng du khách tới Hồng Kông, cũng như nói lời xin lỗi đối với họ và chia sẻ với du khách về những việc chúng tôi đang làm”, một người tổ chức nói.
Trung-Phi sẽ phối hợp khai thác dầu khí ở Biển Đông
Sau cuộc họp hôm thứ Năm (29/8), Tổng thống Philippines và Chủ tịch Trung Quốc đã đồng ý thành lập một cơ quan liên chính phủ để thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông.
Theo Nikkei Asian Review, thỏa thuận này được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng hàng hải gia tăng giữa hai quốc gia.
Đây là lần thứ năm của ông Duterte tới thăm Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 6 năm 2016, khoảng nửa tháng trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này là một chiến thắng cho đơn kiện năm 2013 của Philippines, với sự hậu thuẫn của đồng minh Hoa Kỳ, để phản đối yêu sách hàng hải của Trung Quốc.
Quốc hội Bắc Hàn phê chuẩn Kim Jong Un là nguyên thủ quốc gia
Quốc hội Triều Tiên đã phê chuẩn những thay đổi đối với hiến pháp của đất nước nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Kim Jong Un với tư cách là người đứng đầu nhà nước, truyền thông Bắc Hàn đưa tin hôm thứ Năm, theo Reuters.
Động thái này diễn ra tiếp sau việc ông Kim chính thực được đề nghị là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh quân đội trong hiến pháp mới vào tháng Bảy, điều mà các nhà phân tích cho rằng có thể nhằm mục đích chuẩn bị cho một hiệp ước hòa bình với Hoa Kỳ.
“Đồng chí Kim đại diện cho đất nước chúng ta đã củng cố hơn nữa sự lãnh đạo toàn diện của Lãnh đạo tối cao đối với tất cả các vấn đề của quốc gia”, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên, KCNA, dẫn lời Choe Ryong Hae, chủ tịch quốc hội Bắc Hàn, nói.
Nguồn: Dkn.tv
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.