Tương lai nào cho truyền thông Úc?
Cũng như ở bất cứ đâu trên thế giới, diện mạo của truyền thông Úc đang thay đổi. Xu hướng dịch chuyển truyền thông sẽ thế nào, những thay đổi gần đây trong cách thức chi phối các phương tiện truyền thông của Úc sẽ ảnh hưởng ra sao đến ngành công nghiệp này, cũng như đến chính độc giả, trong tương lai?
Các phương tiện truyền thông vẫn thường được xem như "quyền lực thứ tư", trong một tham chiếu đến 3 đẳng cấp truyền thống của Vương quốc Anh trong lịch sử: giáo sĩ, giới quý tộc và những người bình dân.
Được gọi như vậy bởi các phương tiện truyền thông có vai trò rất quan trọng nhờ khả năng giám sát, theo dõi và kiềm chế một cách độc lập các nhánh quyền lực khác trong một nền dân chủ.
Nhưng giờ thì một số nhà phân tích cảnh báo, các phương tiện truyền thông đang đánh mất dần khả năng đó.
Sự xói mòn ấy trong khả năng giám sát độc lập của các phương tiện truyền thông, trớ trêu thay, lại bắt nguồn từ sự gia tăng dân chủ trong quyền loan tải thông tin với sự xuất hiện của internet, sự lên ngôi của truyền thông xã hội, cũng như việc thông tin miễn phí đang ngày càng dồi dào hơn trên mạng.
Tại Úc, hệ lụy của tất cả những hiệu ứng như vậy chính là các luật lệ mới về quyền sở hữu các phương tiện truyền thông và sự cắt giảm ngân sách của chính phủ cho ngành này.
Quyền lực bị phóng đại?
Tuy nhiên, gần đây, ngày càng xuất hiện thêm nhiều chỉ trích cho rằng, một số cơ quan truyền thông đang thực sự trở nên quá quyền lực.
Chẳng hạn, thủ hiến tiểu bang New South Wales, Gladys Berejiklian đã ra lệnh cho Nhà hát Opera ở Sydney quảng cáo chương trình khuyến mãi cho một cuộc đua ngựa có trị giá hàng triệu đô la.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc phỏng vấn ngày 5/ 10 vừa qua, giữa phát thanh viên đài 2GB là ông Alan Jones và giám đốc này là bà Louise Herron, sau khi bà này từ chối việc chiếu quảng cáo cho cuộc đua ngựa lên các cánh buồm của Nhà hát.
Sự việc đó diễn ra tiếp sau sự kiện Đảng Tự do liên bang thay người lãnh đạo hồi tháng Tám, càng làm dấy lên những câu hỏi liên quan đến ảnh hưởng của truyền thông.
Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull và những người ủng hộ ông nói rằng, ông ta bị kích động một phần bởi các phương tiện truyền thông, trong đó có ông Jones, đã hỗ trợ cho cánh bảo thủ của đảng.
Tuy nhiên, TS. Andrea Carson, Phó Giáo sư báo chí tại Đại học La Trobe ở Melbourne, nói rằng, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đôi khi được phóng đại lên.
TS. Andrea Carson nói: “Nếu quý vị nhìn lại cuộc bầu cử liên bang năm 2016; rồi nhìn vào các ghế dân biểu đại diện quanh vùng tây Sydney, nhất là để ý đến các tiêu đề trên trang một của tờ Daily Telegraph, rất chống đảng Lao động. Vậy nhưng, những ghế dân biểu ở đó lại được bầu cho đảng Lao động. Chúng ta nên cẩn trọng khi đánh giá một cách công bằng về mức độ ảnh hưởng của những người làm truyền thông như ông Alan Jones đối với việc bỏ phiếu của cử tri trên thực tế”.
Sự can thiệp của chính phủ vào báo chí?
Gần đây hơn lại xuất hiện những tuyên bố rằng, các phương tiện truyền thông đang bị đe dọa. Tuyên bố này đưa ra sau những cáo buộc gần đây về sự can thiệp của chính phủ đối với bộ phận biên tập của Cơ quan Truyền thông Úc (ABC).
Cựu chủ tịch của ABC, ông Justin Milne, đã phải từ chức vào tháng 9 sau khi thông tin được tiết lộ cho thấy, ông này đã yêu cầu sa thải hai nhà báo cao cấp ngõ hầu khiến chính phủ hài lòng.
Tuy nhiên, ông Milne đã phủ nhận điều này.
TS. Carson cho rằng, cả hai cơ quan truyền thông do chính phủ tài trợ, ABC và SBS, là những tài sản công quan trọng và tiêu chuẩn biên tập của các cơ quan này phải được bảo vệ.
“Có một tổ chức truyền thông độc lập đến tất cả các vùng trong cả nước là một phần thực sự quan trọng để thiết lập những cuộc đối thoại quốc gia liên quan đến những vấn đề lớn. Quá trình lựa chọn Hội đồng quản trị và nhân sự điều hành cần được tiến hành rộng rãi hơn” – bà Carson nhấn mạnh.
Truyền thông công cộng đang gặp khó
Kinh phí phân bổ cho ABC và SBS cũng bị giảm trong những năm gần đây, với việc ngân sách liên bang phân bổ cho các cơ quan truyền thông này liên tiếp bị cắt giảm hay các khoản tài trợ bị đóng băng.
Và hiện lại xuất hiện quan điểm muốn thúc đẩy quá trình tư nhân hóa hoặc hợp nhất các đài truyền hình công nhằm tiết kiệm chi phí của người thọ thuế.
Đảng Lao động hứa nếu thắng cử trong cuộc bầu cử liên bang năm tới, đảng này sẽ bảo vệ ABC và SBS không bị tư nhân hóa và cam kết tài trợ khoản ngân sách hơn 83 triệu Úc kim để bù vào việc ngân sách bị cắt giảm.
Phát ngôn viên Liên minh Truyền thông, Giải trí và Nghệ thuật của Úc, bà Katelin McInerney nói rằng, người Úc khắp cả nước dựa vào nguồn thông tin công bằng được loan từ các đài truyền hình công.
Bà McInerney cho rằng: “Các tổ chức truyền thông nhất là truyền thông tư nhân, họ không còn đầu tư nhiều cho các sản phẩm của họ cũng như tận dụng việc cắt giảm chi phí một cách không biết mệt mỏi nhằm tăng cổ tức phân chia cho các cổ đông. Trong khi đó, ngành công nghiệp truyền thông và các mô hình hoạt động của ngành này đang chịu sự tấn công. Những cơ quan báo chí phát triển trải trên khu vực địa lý rộng tốn rất nhiều chi phí sản xuất”.
Cựu Thủ tướng Kevin Rudd kêu gọi thành lập ủy ban hoàng gia điều tra về việc lạm dụng các quyền lực truyền thông nhằm theo đuổi các vụ lợi cá nhân.
Ông cũng đã đề xuất mở cuộc điều tra về các mô hình sở hữu các phương tiện truyền thông, giữa bối cảnh đài số 9 đang có khả năng hợp nhất với Fairfax.
Việc hợp nhất này được tạo điều kiện bởi luật mới về sở hữu phương tiện truyền thông của chính phủ Turnbull được thông qua vào năm 2017. Và từ đó, làm dấy lên cuộc tranh luận liện quan đến sự nguy cơ các phương tiện truyền thông bị tập trung quá mức.
Điều đó đồng nghĩa với việc, những tiếng nói và những vấn đề mới ít có khả năng được lắng nghe.
Liệu việc đài số 9 và Fairfax hợp nhất có làm tăng nguồn lực hiện có của cả hai tổ chức này, hay đây là một hồi chuông báo động về việc sở hữu các phương tiện truyền thông?
TS. Denis Muller, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Báo chí của Đại học Melbourne, thiên về ý thứ hai. “Tôi không nhìn ra bất kỳ lợi ích nào cho cộng đồng đến từ việc này, bởi nó thực sự có nghĩa là, bây giờ chúng ta chỉ còn 3 tiếng nói truyền thông chính ở Úc gồm ABC, News Corporation và Nine organization. Truyền thông đang bị tập trung quá mức, thậm chí còn hơn cả trước đây”.
TS. Muller nói rằng, việc hợp nhất sẽ làm tổn hại đến các ấn phẩm khu vực và đài truyền hình địa phương.
Điều này có thể sẽ khiến các địa phương mất đi khả năng suy xét các vấn đề thực sự đang diễn ra ở địa phương đó.
“Các báo địa phương của Fairfax... Tập đoàn này sở hữu rất nhiều tờ báo địa phương. Mà ngay từ đầu thì tập đoàn này đã nói là các tờ báo địa phương sẽ không còn nằm trong kế hoạch phát triển tương lai của họ. Vậy điều gì sẽ xảy ra với các tờ báo này? Chúng ta không biết. Tương lai của các tờ báo như vậy đang vô định”- TS. Muller nói.
Hãy giữ niềm tin của công chúng
Ngoài ra, các tổ chức truyền thông khắp nơi trong cả nước hiện đang đối diện với sự thiếu mất niềm tin của công chúng, khiến cho những loại thông tin được gọi là "tin tức giả" có cơ hội truyền bá, còn những thứ không phải tin giả lại bị dán nhãn này.
Một nghiên cứu hồi đầu năm nay cho thấy, niềm tin của công chúng vào truyền thông ở Úc hiện đang ở mức thấp kỷ lục là 31%.
Tuy nhiên, TS. Carson nói, bà hy vọng con số đó sẽ sớm tăng trở lại: “Quý vị phải nói với công chúng về những gian khó mà các nhà báo phải trải qua khi xác minh thông tin. Và tôi nghĩ, chúng ta sẽ thấy nhiều tổ chức truyền thông đang thực sự quan tâm đến chất lượng thông tin được loan, cũng như minh bạch hơn trong quy trình xác minh thông tin”.
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.