Úc: Tỷ lệ người trẻ mua nhà ngày càng giảm, nguyên do vì đâu
Nghiên cứu do Chính phủ công bố gần đây đã tiết lộ một thực trạng đáng quan ngại: tỷ lệ sở hữu bất động sản của người trẻ Úc đang giảm dần qua nhiều thế hệ.
Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần của Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW) cho thấy khả năng sở hữu nhà riêng của người dân không còn như trước. Tính từ thập niên 60 đến nay, tỷ lệ người dân có nhà ở vẫn duy trì ổn định ở mức 67 – 70%, song khi xét riêng giới trẻ, các chuyên gia lại chứng kiến sự thay đổi lớn trong dữ liệu này.
Tỷ lệ những người 30 – 34 tuổi có nhà riêng đã giảm 14% trong vòng 45 năm qua. Năm 1971, có đến 64% dân số trong độ tuổi này sở hữu cơ ngơi của riêng mình. Đến năm 2016, con số này chỉ còn lại 50%.
Nhóm tuổi 25 – 29 cũng gặp phải vấn đề tương tự. Tỷ lệ sở hữu nhà của họ đã giảm từ 50 xuống 37% trong vòng 45 năm (1971 – 2016). Thậm chí số người về hưu có nhà riêng cũng giảm mất 6.6%! Với những người trong độ tuổi 50 – 54, tỷ lệ sở hữu bất động sản đã giảm từ 80% (số liệu năm 1996) còn 74%.
Những con số này cho thấy khả năng mua nhà của thế hệ sau ngày càng thấp so với thế hệ trước. AIHW tiết lộ từ thế hệ của những người sinh ra trong khoảng thời gian 1947-1951, tỷ lệ sở hữu nhà riêng của người dân đã có dấu hiệu sụt giảm.
Khả năng mua nhà ngày càng thấp
Để hình dung cụ thể hơn, ta có thể lấy nhóm dân số sinh từ năm 1947-1951, hiện đang ở tầm tuổi 68 – 72, làm ví dụ. Năm 1976, khi mới vừa 25 – 29 tuổi, tỷ lệ sở hữu nhà riêng của họ là 54%. Đến năm 2016, 82% trong số đó đã có cơ ngơi của mình.
Tuy nhiên, đối với nhóm người sinh ra trong giai đoạn 1987 – 1991, tức năm nay 28 – 32 tuổi, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. So với thế hệ trước vừa được đề cập ở trên, tỷ lệ có nhà riêng của họ thấp hơn đến 17%: chỉ có 37% nhóm người này sở hữu mái ấm thuộc về mình khi họ ở độ tuổi 25 – 29 (tức năm 2016).
Tỷ lệ người mua nhà lần đầu cũng hạ thấp đến mức đáng kinh ngạc trong 10 năm qua. Năm 2009, nhóm khách hàng này từng chiếm 29% thị trường. Song, đến năm 2019, tỷ lệ này chỉ còn 18%.
Vì sao có sự thay đổi này?
AIHW tin rằng vấn đề này xảy ra do sự biến động về nhân khẩu và gia tăng dân số. Số lượng người độc thân và bố mẹ đơn thân ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc tỷ lệ mua nhà ngày càng giảm. Dân số gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà riêng ở các thành phố lớn như Brisbane, Melbourne và Sydney trong bối cảnh người nhập cư cũng chọn khu vực này làm nơi lập nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất chính là khả năng chi trả. Giá nhà ở Sydney cao gấp 8.5 lần thu nhập của một gia đình trung lưu. Ở Melbourne, con số này cũng không thua kém là bao: 7.5 lần.
Số lượng du học sinh đông đảo cũng góp phần gây sức ép lên thị trường nhà đất qua việc thuê phòng ở các thành phố lớn. Năm 2016, tỷ lệ người Úc sống trong nhà riêng là 73%, ít hơn con số 76% năm 1996. Song, tỷ lệ người sống trong căn hộ chung cư vẫn ổn định ở mức 13%. Nhiều người lại có xu hướng chọn các căn nhà liền kề hoặc townhouse làm nơi trú ngụ, hiện đang có 13% dân số sống trong những ngôi nhà này. Năm 1996, tỷ lệ trên chỉ vỏn vẹn 9%.
Sự hỗ trợ từ Chính phủ
So với thời điểm cuối thập niên 90, ngày càng có ít người dân được hưởng phúc lợi từ Chính phủ. Năm 1999, có 2.6 triệu công dân Úc từ 18 – 64 tuổi được nhận trợ cấp thu nhập, trong khi con số này đã rơi xuống còn 2.3 triệu vào năm 2018. Điều đáng nói là trong thời gian này, dân số Úc đã tăng lên 6 triệu người.
Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Anne Ruston nhận định chính sách trợ cấp cho người dân Úc trong độ tuổi lao động đã chạm mức thấp nhất trong 30 năm qua. “Chính phủ đang nỗ lực giải quyết căng thẳng trong vấn đề nhà ở,” bà nói.
Người trẻ Úc ngày càng cô độc và stress vì mua nhà, bởi tìm được căn nhà giá rẻ là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người đành chấp nhận thắt lưng buộc bụng để gom phần lớn thu nhập của mình cho việc tậu một căn nhà riêng.
Dinesh Indraharan, phát ngôn viên của AIHW, cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2017 – 2018, có hơn 1 triệu hộ gia đình thu nhập thấp thường xuyên căng thẳng với nhau vì chuyện nơi ăn chốn ở. Họ đã dành hết 30% thu nhập của mình vào việc mua hoặc thuê nhà và phải sống kiêng khem để đủ khả năng xoay sở.”
Tuy tỷ lệ phụ nữ được tuyển dụng nói riêng và người dân Úc có việc làm nói chung đều ở mức cao kỷ lục, song có nhiều công nhân viên thừa nhận rằng họ không được cống hiến hết mình như đã từng mong mỏi. Thời gian làm việc ngắn khiến những người này gặp khó khăn trong việc kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Linda Burney, phát ngôn viên dịch vụ xã hội của Đảng Lao động, tỏ ra quan ngại trước số lượng người học việc ít ỏi và nhiều nghề nghiệp không an toàn được đề cập trong báo cáo.
Tỷ lệ tội phạm trong những năm gần đây đã giảm bớt, nhưng Úc vẫn xếp hạng thấp trong danh sách những quốc gia có người dân an tâm đi đường một mình vào ban đêm. “Tỷ lệ bạo hành gia đình và bạo lực tình dục không có nhiều thay đổi so với năm 2005. Số vụ hành hung có xu hướng giảm bớt,” ông Indraharan nói. “Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, ngày càng có nhiều trường hợp bị tấn công và xâm hại tình dục được cảnh sát ghi nhận.”
Nguồn: Vietucnews.net
Ly ɦôп ʋẫп cɦᴜпɢ ɢiườпɢ, łɦi łɦoảпɢ cɦồпɢ cũ lại cɦᴜyểп ƙɦoảп 5 łɾiệᴜ łɾả łìпɦ ρɦí
Kể ɾɑ cɦắc пɦiềᴜ пɢười sẽ ƙɦôпɢ łáп łɦàпɦ ʋới cácɦ sốпɢ củɑ eɱ ʋới cɦồпɢ cũ ɓây ɢiờ пɦưпɢ łɦực łế, пɢười łɾoпɢ cᴜộc пɦư eɱ lại ɾấł łɦoải ɱái.