Vụ 39 người tử vong: Học được gì từ nhân cách của người Anh
Học được gì từ nhân cách của người Anh
Thảm kịch 39 người tử vong trong chiếc xe container kín mít đã được xác định là người Việt Nam. Danh tính của 39 con người xấu số đã được cảnh sát Anh xác nhận, nhưng người Anh nhân văn tới mức, họ muốn cho các gia đình nạn nhân có thời gian để bình tĩnh tiếp nhận tin xấu trước khi công khai tên tuổi… Có câu rằng: “Gian nan hoạn nạn mới hiểu bạn là ai”. Hơn 20 ngày kể khi phát hiện chiếc xe tử thần trên xứ người, chúng ta đã được chứng kiến tấm lòng bao dung, độ lượng, nghĩa cử cao đẹp của người Anh trong cách hành xử của họ trước thảm kịch tàn khốc…
Thảm kịch gây sốc
Những chiếc xe container di chuyển liên tục trên các tuyến đường đã trở thành hình ảnh quen thuộc và là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống thường ngày ở Thurrock, thuộc địa phận hạt Essex. Từ bến cảng Tilbury đến cảng Purfleet – nơi có bờ biển dài thứ hai nước Anh có rất nhiều điểm nhập cảnh cho hàng hóa quốc tế.
Ẩn khuất sau sự nhộn nhịp ấy, các bến cảng của Anh đã phơi bày một thế giới ngầm tàn khốc của những kẻ buôn lậu và buôn người xuyên quốc gia. Vào rạng sáng thứ Tư ngày 23/10, người ta đã phát hiện 39 thi thể trong một chiếc xe container đông lạnh tại khu công nghiệp ở Grays, gần Purfleet.
Dữ liệu GPS đã dựng nên chặng đường tử thần của chiếc xe này. Từ ngày 15/10 đến 22/10, nó đã từng đến một địa điểm ở địa phận Thurrock, hạt Essex, chính là nơi sau này phát hiện ra 39 thi thể. Vào ngày 17/10, nó vượt biển sang châu Âu, rồi di chuyển tới Dunkirk, Lille (Pháp) và cuối cùng tới cảng Zeebrugge (Bỉ) vào ngày 22/10. Từ cảng này, nó lên phà vượt biển sang cảng Purfleet (Anh).
Vào lúc 0h30 ngày 23/10 chiếc container cập cảng Purfleet và rời cảng vào khoảng 1h05 phút. Nó đã được tài xế Mo Robinson (25 tuổi) điều khiển một chặng ngắn tới đường Eastern Avenue có khu công nghiệp Waterglade. Nơi 39 thi thể được phát hiện không có khu dân cư và chỉ cách đường vành đai cao tốc M25 bao quanh London có vài phút. Vành đai cao tốc này cũng nối với các đường cao tốc khác tỏa đi khắp nước Anh và lợi dụng “địa thế” này, các băng nhóm tội phạm đã chọn địa điểm này thành nơi “hạ cánh” lý tưởng cho những người vào Anh bất hợp pháp.
35 phút sau, vào lúc 1h40 ngày 23/10 cảnh sát nhận được cuộc gọi từ Dịch vụ xe cứu thương địa phương thông báo về các thi thể trong container. Kể từ ngày hôm ấy, cảnh sát Anh đã khởi động một trong những cuộc điều tra giết người lớn nhất ở xứ sương mù kể từ vụ đánh bom tự sát ở London vào năm 2005. Trong khi đó, cảnh sát hạt Essex xác nhận đây là quá trình xác định danh tính tử vong hàng loạt lớn nhất trong lịch sử điều tra hình sự của nước họ.
Chiếc container phát hiện 39 người đã tử vong, tại hạt Essex (London, Anh). (Ảnh chụp video)
Khoan dung là thể hiện tấm lòng thiện lương…
Vào thời điểm mà nguyên nhân cái chết của 39 người chưa được cảnh sát tiết lộ, đã có 2 hai giả thuyết được đưa ra: Một là 39 người chết do bị “giam” quá lâu trong container có nhiệt độ xuống tới -25 độ C nhằm tránh các dụng cụ tân tiến tầm nhiệt tại cảng phát hiện; Hai là họ bị ngạt thở do thiếu dưỡng khí nghiêm trọng khi phải trải qua lộ trình dài đằng đẵng. Bất kể nguyên nhân cái chết là gì, người ta đều hiểu rằng 39 nạn nhân này đều đã phải trải qua sự đau đớn, hoảng loạn và tuyệt vọng trước khi chết.
Là một dân tộc thượng tôn luật pháp, người Anh thường phân định rạch ròi đúng – sai. Tuy vậy, bất kể sự thật rằng những người đã thiệt mạng trên chuyến xe cập bờ biển xứ họ đang tìm mọi cách đi vào quốc gia họ một cách bất hợp pháp và mang tới cho họ nhiều phiền phức, người Anh vẫn không hề trách móc hay tỏ ra khó chịu. Thay vào đó, họ lại ngậm ngùi thương cảm với những người di dân lậu đã bỏ mạng trên mảnh đất của họ và lên án những kẻ buôn người tàn ác.
Thảm kịch 39 người tử vong trong container xảy ra khi Vương quốc Anh đang đàm phán “ly hôn” với Liên minh Châu Âu. Ngay tại cuộc họp Nghị viện, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lập tức gác lại cuộc khủng hoảng Brexit và tuyên bố sẽ làm hết sức để đưa các thủ phạm buôn người ra trước công lý. Thủ tướng cũng cho biết đây là một thảm kịch không thể tưởng tượng nổi, là “một tội ác không thể dung thứ và làm tan nát tâm can tôi”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đến hiện trường, cam kết “làm tất cả có thể” trong sổ chia buồn
Ông Jackie Doyle-Price, nghị sĩ Anh đại diện cho khu vực nơi chiếc container được tìm thấy đã thốt lên rằng: “Nhốt 39 người vào trong một container bằng kim loại, khóa kín cho thấy sự coi khinh tính mạng con người, đó là một tội ác. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm để tưởng nhớ các nạn nhân là truy bắt và đưa thủ phạm ra công lý”.
Ông Richard Burnett, Giám đốc điều hành Hiệp hội vận tải đường bộ Anh cho biết ông không dám hình dung lại tình cảnh 39 con người bên trong bị đóng băng đến chết nếu công tắc điện lạnh được bật: “Trời sẽ tối và nếu tủ đông lạnh hoạt động thì không gian sẽ lạnh vô cùng”.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward chia sẻ bằng tiếng Việt: “… Là một người cha, người anh, người chồng và người con, tôi không thể tưởng tượng được cảm giác khi phải mất đi những người thân yêu của mình…”
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward gửi lời chia buồn tới gia đình và người thân của những người đã mất.. (Ảnh: UK in Vietnam; chỉnh sửa: News Zing)
Hơn một tuần kể từ sự cố bi thảm xảy ra, các công chức, nhân viên dịch vụ khẩn cấp, người dân hạt Essex và trên toàn thế giới đã dành một phút mặc niệm. Cảnh sát trưởng Essex, ông BJ Harrington nói trong buổi lễ: “Bổn phận của chúng ta là tiếp tục vì những người đã mất, và với cả những người thân yêu của họ… Đối với gia đình những người đã mất, tôi hứa chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để mang lại công lý cho mọi người, cũng như những người phải chịu trách nhiệm cho hành trình kinh khủng mà những người thân yêu của các bạn đã trải qua”.
Các nhân viên thuộc Sở Cảnh sát hạt Essex, Sở Cứu hỏa và Cứu hộ hạt Essex cũng tổ chức buổi mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân. Ủy viên Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Sở Cứu hỏa Essex – ông Roger Hirst nói: “…Tôi nhận ra sự quan tâm sâu sắc của công chúng đối với bi kịch này và tầm ảnh hưởng của nó đến cộng đồng… Chúng tôi cam kết rằng mọi người đang hợp tác cùng nhau để đem lại kết quả mà các nạn nhân xứng đáng được tôn trọng và bù đắp”. Trong khi đó bà Pippa Mills, Phó Cảnh sát trưởng Hạt Essex họp báo nói rằng “chúng ta nợ họ một cuộc điều tra đúng đắn” và khẳng định các sĩ quan cảnh sát hạt Essex “đang làm việc suốt ngày đêm” để tìm ra sự thật.
Trên khắp nước Anh, người dân tụ tập trước Tòa Thị chính, Tòa Bộ nội vụ ở thủ đô London thắp nến cầu nguyện cùng với biểu ngữ chào đón người nhập cư, tị nạn tới đây. Tại các tòa nhà văn phòng chính phủ ở Westminster (London), các nghị sĩ, các nhà hoạt động Anh đã tổ chức các buổi cầu nguyện cho 39 người không may thiệt mạng trong không gian trang trọng tràn ngập hoa và nến.
Hội đồng địa phương vùng Thurrock cũng mở sổ chia buồn để người dân tới viếng và viết lời chia buồn thương tiếc các nạn nhân. Để bày tỏ sự trân trọng tới những người đã mất, Hội đồng cũng khuyến cáo người dân đặt hoa tới khu vườn gần trung tâm để tưởng nhớ nạn nhân thay vì để tại khu công nghiệp Waterglade. Nơi hiện trường 39 thi thể được phát hiện, người dân tới đặt hoa và nến, cùng tưởng niệm, cùng nhau viết vào sổ tang chia buồn, gửi thông điệp tiếc thương tới các nạn nhân. Tất cả các nhà thờ giáo xứ tại Thurrock đều tổ chức lễ cầu nguyện cho các nạn nhân, dù họ theo Công giáo hay không.
“Rất buồn, rất thương tâm. Thật khó khăn để nói về chuyện này”; “Chúng ta có thể nhận ra những gì có thể xảy đến đối với sinh mạng mỗi người”; “Tôi hoàn toàn sốc và buồn vì điều này đã xảy ra ở đây. Họ xứng đáng được tôn trọng”, “Đây thực sự là một tai nạn thương tâm”. “Trái tim chúng tôi khóc thương cho những người đã thiệt mạng theo cách kinh khủng như vậy”, là những chia sẻ và cảm xúc của người dân Anh dành cho 39 nạn nhân xấu số trên BBC.
Một thánh lễ đặc biệt được tổ chức tại Giáo phận Westminster do Giám mục người Anh, phụ tá Đức Tổng Giám mục kêu gọi các tín đồ cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, cũng như cầu nguyện cho các tuyến di cư và người tị nạn được an toàn hơn đến châu Âu. Thậm chí họ cũng cầu nguyện cho cả những kẻ buôn người để họ ngừng không gây thêm những tội ác như vậy nữa.
Trong cuốn Thames: Scared River (Thames: Dòng sông thiêng), tác giả Peter Ackroyd đã mô tả sông Thames
“khiêm tốn và ôn hòa, êm đềm và có ích; mạnh mẽ mà không hung tợn. Nó không ấn tượng đến nỗi khoa trương. Lớn mà không đến mức khổng lồ”. Tác giả nói thêm rằng: “Con sông là thứ lâu đời nhất ở London và nó không thay đổi chút nào”. Như một phép ẩn dụ, đấy cũng là một phần tính cách và nhân cách điển hình của người Anh.
Nhiều người cho rằng người Anh lịch sự, hào phóng và… lạnh lùng. Có lẽ tính cách “phớt Ăng- lê” của người Anh càng ngẫm càng nhận thấy nó được “di truyền” từ tinh thần quý tộc ngấm sâu vào văn hóa ứng xử của họ. Những biến cố thảm khốc chính là “cơ hội” để khảo nghiệm chuẩn mực đạo đức của con người. Điều này thể hiện rõ ràng trong cách hành xử của người Anh đối với những người đã khuất.
Chính phủ Anh tích cực xác định danh tính các nạn nhân theo cách thức đảm bảo nhân phẩm, chính xác pháp y và bảo mật thông tin, các thông báo phát đi từ trụ sở cảnh sát Essex luôn nhấn mạnh: “Ưu tiên hiện nay là tiếp tục cuộc điều tra kỹ lưỡng và tỉ mỉ về tội ác dẫn tới cái chết của các nạn nhân, giữ gìn phẩm giá của những người đã khuất, hỗ trợ bạn bè, người thân và gia đình các nạn nhân”.
Ngay cả khi kêu gọi sự cộng tác của những người di dân lậu cung cấp thông tin về các nạn nhân, thông báo của cảnh sát trưởng Martin Pasmore cũng thể hiện đầy tính nhân văn: “Chúng tôi hiểu rằng một số người có thể lo lắng nhưng tôi hy vọng mọi người sẽ đặt niềm tin vào tôi – Cảnh sát Essex sẽ không truy cứu bất cứ hành động nào chống lại bạn… Tâm trí của của chúng tôi dành cho tất cả những người bị ảnh hưởng trong thảm kịch này”.
Đặc biệt khoảnh khắc cảnh sát Anh đứng hai bên đường cúi đầu tiễn biệt khi chiếc xe container chở 39 thi thể nạn nhân xấu số di chuyển từ bãi đỗ của khu công nghiệp Waterglade ra đường chính để đến Tilbury nhằm phục vụ công tác điều tra. Đây là một trong những hình ảnh gây xúc động và đầy tính nhân văn của người Anh trước toàn thế giới.
Vô cảm là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức
Thảm kịch rạng sáng ngày 23/10 vừa qua đã gợi nhớ lại thảm án tại Dover năm 2000, khi cảnh sát Anh phát hiện 58 thi thể trong một container bịt kín. Một nhóm người Trung Quốc cũng “được” những kẻ buôn người “nhét” vào thùng container bịt kín để nhập cư lậu vào nước Anh qua eo biển Dover và bị chết ngạt, chỉ còn hai người sống sót.
Cảm thương cho những con người xấu số phải bỏ mạng tại xứ người, người dân tại Dover đã tự tổ chức các buổi lễ tưởng niệm và lễ truy điệu cho các nạn nhân xấu số. Điều đặc biệt là có nhiều trẻ em đã tham gia lễ tượng niệm, trên tay những em bé này là những món đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc. Một phóng viên đã hỏi các bé rằng: “Tại sao cháu lại tới tham gia buổi lễ tưởng niệm này?“. Một đứa bé trả lời không cần suy nghĩ: “Họ cũng là người mà. Những đồ chơi mà chúng cháu cầm trong tay hiện giờ rất có thế là do những người Trung Quốc này chế tạo”.
Bia tưởng niệm các nạn nhân trong thảm án Dover (Ảnh: kentonline.co.uk)
Thế nào là sự khoan dung, độ lượng? Thế nào là nghĩa tử nghĩa tận? Chính là đây. Sinh mạng con người là thứ quý giá nhất, những giá trị phổ quát, cơ bản nhất thì ở đâu cũng vậy, là tấm lòng bao dung, độ lượng, biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình. Bao quanh bốn bề là biển, nước Anh chưa hẳn hùng mạnh bởi lực lượng hải quân hiện đại, cũng chưa hẳn giàu có bởi nền kinh tế vững chắc nhất châu Âu, mà chính Sự khoan dung là tiền đề quan trọng làm nên một xã hội thịnh vượng cho nước Anh ngày nay.
Trong khi Chính phủ và người dân Anh – nơi mà tinh thần thượng tôn luật pháp được coi là thiêng liêng và tối thượng, là cơ sở xác lập và bảo hộ cho mối quan hệ hài hòa giữa người với người lại “phá luật” để bảy tỏ sự nhân văn, đồng cảm với 39 nạn nhân khác chủng tộc với họ, thì người Việt trong nước lại nổ ra một cuộc tranh cãi trên mạng với đủ các lời bình phẩm, nhận xét, chỉ trích… về mục đích động cơ của những người đã chết.
Điều đáng nói là, nhiều người trong chúng ta đã tiếp nhận tin dữ về cái chết của 39 đồng hương trong nỗi cảm thán thương xót chốc lát rồi “thấy nó cũng bình thường”. Nhiều người thì chặc lưỡi mà vô cảm phán rằng: “Trả gần 1 tỉ để chui lủi như thế thì thà ở nhà tiền đó dùng làm việc khác”. Còn lại là rất nhiều lời chỉ trích nạn nhân cũng như người nhà nạn nhân bằng những lời lẽ nặng nề kiểu: “Ngu thì chết”; “Tham giàu”; “Ham đổi đời”; “Đáng đời”; “Nghèo mà có tiền đi châu Âu”.… Thậm chí đã nổ ra nhiều tranh cãi, bất bình, tức giận, “ném đá” trên mạng xoay quanh câu chuyện em trai của một nạn nhân đã lên mạng đăng bài xin tiền quyên góp để đưa xác chị về.
Những ồn ào, chỉ trích, võ đoán của người Việt đối với chính đồng hương của mình ngược hẳn với người Anh. Họ không biết những người trong container này là ai, từ đâu đến, nhưng có một điều họ biết chắc rằng, tất cả 39 con người đã phải chết thảm khi vượt biển tới đất nước họ. Vì vậy, họ không tiếc công sức, thời gian và tiền của, sẵn sàng hỗ trợ gia đình các nạn nhân có nguyện vọng muốn đến Anh bằng cách miễn lệ phí visa, cũng như cam kết hỗ trợ mọi chi phí đưa nạn nhân về nước… Vậy thì lý do gì người Việt lại thiếu lòng trắc ẩn và khoan dung đến vậy, vừa “dửng dưng”, vừa “bạo lực” bằng khẩu ngữ đối với người nhà và chính các nạn nhân? Khi sự nhân văn biến mất thì độc ác, vô cảm theo sau, nó hủy hoại nhân cách con người và làm xói mòn nền tảng đạo đức.
Cha ông xưa có câu “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, nhưng tiếc thay, những điều tốt đẹp như khoan dung, độ lượng, nhẫn nhịn, đồng cảm, chia sẻ, lấy thiện đãi người… là mỹ đức trong văn hóa truyền thống giờ chỉ là… quá khứ. Nguyên nhân sản sinh ra sự vô cảm, lạnh lùng, những hiện tượng biến dị trong nhân cách con người có thể có nhiều lý do, mà một vài trong số nhiều phương diện đến từ thể chế, sự tu dưỡng và nền tảng giáo dục…
Cổ ngữ có câu rằng: “Có lòng bao dung mới trở thành vĩ đại”. Lại cũng có câu rằng: “Điều đáng sợ hơn cả cái chết thể xác, chính là cái chết tâm hồn của những người còn sống”.
Theo Báo Tri thức
Ly ɦôп ʋẫп cɦᴜпɢ ɢiườпɢ, łɦi łɦoảпɢ cɦồпɢ cũ lại cɦᴜyểп ƙɦoảп 5 łɾiệᴜ łɾả łìпɦ ρɦí
Kể ɾɑ cɦắc пɦiềᴜ пɢười sẽ ƙɦôпɢ łáп łɦàпɦ ʋới cácɦ sốпɢ củɑ eɱ ʋới cɦồпɢ cũ ɓây ɢiờ пɦưпɢ łɦực łế, пɢười łɾoпɢ cᴜộc пɦư eɱ lại ɾấł łɦoải ɱái.