Nỗi lo tái diễn "cơn ác mộng thăm dò" trong bầu cử tổng thống 2016
Sau chiến thắng gây sốc của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, một số thành viên đảng Dân chủ vẫn không muốn tin vào các con số.
Hoài nghi về kết quả thăm dò
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) và ứng viên Dân chủ Joe Biden (Ảnh: Reuters)
Các con số dường như đều có vẻ rất có lợi cho đảng Dân chủ tại bang Arizona. Ứng viên tranh cử Thượng viện của đảng này dẫn trước trung bình hơn 5 điểm, và ông Joe Biden dẫn trước đối thủ Donald Trump hơn 3 điểm trong các cuộc thăm dò. Nếu các con số này giữ ổn định, bang này có thể đưa đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đưa Biden vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, một nhà tổ chức chủ chốt của đảng Dân chủ tại Arizona lại tỏ ra không mấy tin tưởng về các con số thăm dò trên.
“Tôi có thể nói rằng các cuộc thăm dò chỉ là ảo”, Larry Bodine, chủ tịch đảng Dân chủ tại khu vực Vùng Tucson, nói với hãng tin Guardian. “Sau năm 2016, tôi xác định rằng kể từ đó trở đi, tôi không chỉ dựa vào vào các cuộc thăm dò, mà thay vào đó tin vào những gì các tình nguyện viên Dân chủ thấy được ở thực địa”.
Trong các văn phòng đảng Dân chủ từ khắp tờ Đông sang bờ Tây, tại nhiều gia đình của các cử tri chống ông Trump, các kết quả thăm dò nói rằng ông Biden và đảng Dân chủ dẫn trước đang vấp phải sự hoài nghi. Cảm thấy như bị lừa dối bởi các thăm dò nói rằng Hillary Clinton có thể chiến thắng bầu cử năm 2016 nhưng cuối cùng lại thua sốc trước đối thủ Donald Trump, nhiều người tiến bộ trong năm 2020 tỏ ra hoài nghi.
“Tôi thực sự hoạt động tích cực trong nội bộ đảng Dân chủ và hầu như không ai nói về các cuộc thăm dò. Tôi tin rằng tất cả các cuộc thăm dò tích cực đều đưa ra cảm giác an toàn sai lầm”, Bodine nói.
Thái độ đó dường như không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà tổ chức chính trị. Nhưng sự hoài nghi về độ tin cậy của thăm dò có tác động rộng lớn hơn đối với các chiến dịch tranh cử, các chính sách công và rút cuộc là chính đời sống hàng ngày của người Mỹ, về nhiều vấn đề, từ sự phân biệt sắc tộc trong các tương tác với cảnh sát đến sự hoài nghi về một loại vắc xin Covid-19 tiềm năng.
Các nhà phân tích cho rằng, suy cho cùng, vấn đề thăm dò cũng gắn liền với nền dân chủ. Hỏi mọi người nghĩ gì là một biểu hiện của niềm tin mà người Mỹ xem là quan trọng.
Bài học lớn năm 2016
Theo trang phân tích dữ liệu bầu cử FiveThirtyEight, với những vai trò đó, và với sự chú ý ngày càng tăng của công chúng trước thềm cuộc bầu cử ồn ào, những người làm công tác thăm dò trên khắp nước Mỹ đã có những điều chỉnh để sửa chữa những sai lầm mà họ mắc phải trong năm 2016 và đang nỗ lực để có được một bức tranh chính xác hơn về cuộc bầu cử năm 2020.
Bức tranh đó không đơn giản. Mặc dù một số cuộc thăm dò ở những bang quan trọng không được tiến hành vào năm 2016, các cuộc thăm dò toàn quốc khi đó dường như đã đúng, cho thấy bà Clinton dẫn trước 3 điểm. Kết cục, bà Clinton đã thắng ông Trump 2 điểm xét về phiếu phổ thông nhưng thua về phiếu đại cử tri.
Theo Guardian, các sai sót thăm dò trong cuộc bầu cử năm 2016, sau khi được phân tích rất kỹ, bao gồm:
(1) Người thăm dò không chú ý tới trình độ học vấn của các cử tri
(2) họ bị đánh lừa bởi làn sóng bất thường các cử tri chưa quyết định nhưng quay sang ủng hộ Trump vào phút chót
(3) họ thăm dò quá ít tại các bang chiến trường để thực sự biết được điều gì đang xảy ra
(4) kết luận ngoại suy từ lượng dữ liệu ít ỏi lại được phát tán với độ chắc chắn quá cao
(5) có thể có nhiều người cử tri ngại ngùng không nói thật trong các cuộc thăm dò rằng họ ủng hộ ông Trump
Các kết quả thăm dò vẫn là một cú sốc chính trị. Trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử năm 2016, tỷ lệ thăm dò bình quân tại bang Wisconsin cho thấy bà Clinton dẫn trước 6,5 điểm. Tại Michigan, bà Clinton dẫn trước 3,6 điểm và 2,1 điểm tại Pennsylvania. Nhưng rút cuộc, ông Trump đã giành chiến thắng ở cả 3 này để vào Nhà Trắng. Ngay khi đó, chiến dịch của bà Clinton đã bị chỉ trích là không quan tâm tới vùng Trung Tây, như bang Michigan và Wisconsin, và bị “ru ngủ” bởi kết quả của các cuộc thăm dò.
Thay đổi để tránh sai lầm
Hãng thăm dò nổi tiếng và được nhiều người theo dõi là Franklin & Marshall College tại Lancaster, Pennsylvania cho biết bà Clinton dẫn trước 2 con số tại bang này trong cuộc thăm dò cuối cùng trước cầu cử năm 2016. Cuối cùng, ông Trump đã giành chiến thắng tại bang này với tỷ lệ mong manh chưa tới 50.000 phiếu bầu, tương đương chưa tới 1%.
Giám đốc Terry Madonna của hãng thăm dò trên cho biết làn sóng bất thường các cử tri quyết định vào phút chót - ủng hộ ông Trump - đã gây ra “điểm mù thăm dò”.
“Trong một số trường hợp, bao gồm của chúng tôi, chúng tôi đã rút khỏi khu vực, tức là hoàn thành các cuộc thăm dò khoảng 10 ngày trước bầu cử”, Madonna nói. “Điều chúng tôi nhận thấy trong các cuộc thăm dò sau bầu cử là trong 10 ngày cuối cùng, khoảng 20% cử tri đã quyết định hoặc thay đổi quyết định và sau đó nghiêng về phía ông Trump nhiều hơn hẳn so với bà Clinton”.
Ông Madonna cho biết hãng thăm dò năm nay sẽ ở lại hiện trường lâu hơn, và ông nhận thấy số cử tri chưa quyết định lần này ít hơn.
“Khi bạn có 85-90% cử tri Cộng hòa nói ủng hộ công việc mà ông Trump đang làm, và người Dân chủ chỉ có tỷ lệ ủng hộ một con số - tức là mọi người đã quyết định trong cuộc đua này”, Madonna nói. “Có một số lượng tương đối nhỏ các cử tri chưa quyết định. Và quyết định của họ có thể tạo khác biệt, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn đối với các chiến dịch tranh cử là phải vượt ra khỏi lực lượng cử tri trung thành của họ”.
Các hãng thăm dò cấp bang khác, trong đó có Viện ý kiến công chúng Muhlenberg tại bang Pennsylvania, đã mở rộng các phương pháp thăm dò sau cuộc bầu cử năm 2016.
Một đại diện của hãng trên cho biết, năm nay, hãng hăm dò này không chỉ nhìn vào các danh mục phổ biến nhất để tìm hiểu quan điểm của các cử tri như giới tính, độ tuổi, khu vực, đảng và chủng tộc - mà còn bổ sung một danh mục khác: trình độ học vấn.
“Chúng tôi chưa từng đưa trình độ học vấn là một yếu tố trong công thức thăm dò, phần lớn là vì đó chưa từng là điều quan trọng. Khi nhìn lại lịch sử, bạn sẽ thấy nó không ảnh hưởng nhiều. Nhưng giờ đây bạn đang nhìn thấy một khuynh hướng khác biệt: người có trình độ học vấn cao hơn đang bỏ phiếu theo một hướng và người có trình độ học vấn thấp hơn đang bỏ phiếu theo hướng khác. Sự thay đổi đó chỉ thực sự bắt đầu xuất hiện trong thập niên này và bùng nổ trong năm 2016, tới mức mà tôi nghĩ rằng thật ngớ ngẩn khi đã xem nhẹ nó”, Christopher Borick, giãm đốc hãng thăm dò Muhlenberg, nói.
“Và vì vậy, chúng tôi giờ đây đang cân nhắc yếu tố trình độ học vấn và nó đã làm thay đổi nhẹ các cuộc thăm dò. Cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy ông Biden dẫn 4 điểm, với yếu tố học vấn được đưa vào. Nếu không tính yếu tố đó, như chúng tôi làm vào năm 2016, ông ấy dẫn 6 điểm”, Christopher nói thêm.
Trong số 453 hãng thăm dò được FiveThirtyEight xếp hạng, Muhlenberg là một trong số chỉ 6 hãng được xếp hạng A+. Muhlenberg được tín nhiệm dựa trên lịch sử thăm dò đáng tin cậy, ít thiên vị nhất, phương pháp thực hiện nghiêm ngặt và thực hiện các hình thức thăm dò khó khăn và đắt đỏ nhất như các cuộc phỏng vấn điện thoại trực tiếp.
Cuộc thăm dò cuối cùng của Muhlenberg tại Pennsylvania trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cho thấy bà Clinton dẫn trước với tỷ lệ sít sao, 1 con số. Kết quả thực tế là ông Trump đã giành chiến thắng tại bang này với tỷ lệ cách biệt chưa tới 1% - trong ngưỡng sai số của thăm dò. Về mặt kỹ thuật mà nói, cuộc thăm dò này không sai.
Ông Borick chỉ ra rằng khi khoảng cách giữa con số thăm dò và kết quả bầu cử thực tế rơi vào ngưỡng ở giữa người thắng và người thua, rất khó để khẳng định rằng cuộc thăm dò đã sai.
Năm nay, các nhân viên thăm dò có thể gặp thách thức chưa từng có do tỷ lệ gia tăng đáng kể các cử tri bỏ phiếu sớm và qua thư, Nate Silver, người sáng lập của trang FiveThirtyEight cho hay. Ông Silver đã dự đoán đúng kết quả tại tất cả 50 bang trong cuộc bầu cử năm 2012 và là một trong ít các chuyên gia phân tích thăm dò nhận định rõ ràng trước cuộc bầu cử năm 2016 rằng ông Trump đang trên đường chiến thắng.
Ông Borick cho rằng điều quan trọng là các nhân viên thăm dò cần phải giải thích với mọi người rằng kết quả của họ có nghĩa như thế nào.
“Tôi cho rằng các nhân viên thăm dò có thể muốn mọi người hiểu về quan điểm của số đông đối với các vấn đề, và để làm thăm dò thật chính xác. Và cũng cần phải giải thích cho mọi người về những hạn chế của công việc mà chúng tôi làm”, Borick nói.
“Chúng tôi chỉ thăm dò ở những nhóm nhỏ để đưa ra những nhận định về các nhóm lớn hơn. Và do đó sẽ có sai sót”, Borick nói thêm.
Còn Larry Bodin, từ Arizona, đã đưa ra lời khuyên cho đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử năm 2016.
“Các thành viên Dân chủ không nên xem thường bất kỳ điều gì. Lời khuyên của tôi với họ là phải huy động các văn phòng đảng ở địa phương và năng động hơn. Ngừng phàn nàn về tivi, về những gì họ thấy trên tin tức. Hãy ra ngoài và làm điều gì đó”, Bodin nói.
Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/noi-lo-tai-dien-con-ac-mong-tham-do-trong-bau-cu-tong-thong-2016-20201003210505946.htm
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.